Anna Karenina. Quyển 6 – Chương 14
Khoảng mười giờ hôm sau, khi đi kiểm tra trại ấp về, Levin đến gõ cửa buồng Vaxya ngủ đêm trước.
– Cứ vào! – Vexlovxki nói to. – Xin lỗi, tôi vừa mới tắm gội, – anh mỉm cười nói.
Anh ta đứng trước mặt chàng, mặc độc bộ đồ lót.
– Xin anh cứ tự nhiên, – Levin ngồi xuống cạnh cửa sổ.
– Anh ngủ có ngon không?
– Ngủ như chết. Thời tiết hôm nay đi săn có tốt không?
– Anh dùng gì: trà hay cà phê?
– Chẳng trà mà cũng chẳng cà phê. Tôi vừa ăn cả một bữa điểm tâm thịnh soạn. Tôi lấy làm xấu hổ… Có lẽ các bà dạy rồi nhỉ. Giá đi chơi một vòng thì khoái biết mấy! Anh chỉ cho tôi xem đàn ngựa của anh nhé.
Sau khi đi dạo trong vườn, đến thăm chuồng ngựa và lên xà kép vài cái, Levin trở về nhà và cùng Vaxya đến phòng khách.
– Cuộc đi săn của chúng tôi thật tuyệt diệu, tôi trở về mang theo rất nhiều ấn tượng, – Vexlovxki vừa nói vừa bước lại gần Kitty đang ngồi cạnh ấm đun trà. – Thật đáng tiếc cho các bà không được hưởng những thú ấy!
“Anh ta cứ nhất định phải nói vài lời với nữ chủ nhân”, Levin tự nhủ. Chàng thấy một sắc thái đặc biệt trong nụ cười, trong vẻ tán tỉnh của khách khi anh ta nói với Kitty.
Phu nhân ngồi phía bên kia bàn với bà Maria Vlaxievna và Stepan Ackađich, bà gọi Levin lại gần để bàn việc thu xếp nhà cửa. Dạo cưới, mọi sự chuẩn bị vô nghĩa lí như thế này đều khiến Levin khó chịu, vì nó làm tổn thưởng đến sự kiện cao cả đang hoàn thành; sự chuẩn bị cho việc sinh nở nay mai mà người ta bấm đốt ngón tay tính từng ngày, càng khiến chàng phật ý hơn nữa. Chàng cố bưng tai nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện về cách quấn tã cho trẻ sơ sinh, trước những dải băng đan bí ẩn dài bất tận, những mảnh vải hình tam giác mà Đôly coi là rất quan trọng v.v… Chàng thấy việc đẻ một đứa con trai (chàng đinh ninh đó sẽ là con trai) – điều mà người ta hứa hẹn với chàng, nhưng chàng vẫn chưa tin vì thấy điều đó thật quá kì lạ – một mặt là niềm hạnh phúc bao la do đó không thể đạt được, mặt khác lại là một sự kiệ huyền bí đến nỗi cả cái kiến thức hư ảo về điều sắp xảy tới lẫn những chuẩn bị dường như chỉ liên quan đến một việc thông thường, đều có vẻ ô nhục và ghê tởm dưới mắt chàng.
Nhưng phu nhân không hiểu tâm trạng chàng và cho việc chàng không muốn bận tâm và bàn bạc đến vấn đề ấy là do tính nhẹ dạ và thờ ơ, cho nên bà không để chàng yên thân chút nào. Bà đã nhờ Stepan Ackađich tìm cho họ một căn nhà và bây giờ, bà vẫy Levin lại gần.
– Thưa phu nhân, con chẳng biết gì cả. Xin tùy phu nhân muốn làm thế nào cũng được, – chàng nói.
– Anh chị phải định ngày lên đường đi chứ.
– Thật quả, con không biết gì về việc đó. Con chỉ biết là có hang triệu trẻ con không đẻ ở Moskva và không cần đến bác sĩ…, vậy tại sao…
– Nếu như vậy…
– Việc này sẽ tuỳ ý Kitty.
– Không nên bàn chuyện này với Kitty! Vậy ra anh muốn tôi làm nó sợ à? Anh chớ nên quên là mùa xuân năm ngoái, Natalya Gôlitxưn đã chết vì thiếu bà đỡ giỏi đấy.
– Con sẽ làm theo ý phu nhân, – chàng nói, vẻ lầm lì.
Phu nhân cứ nói, nhưng chàng chẳng buồn nghe. Tuy câu chuyện làm chàng phát ngấy nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến chàng buồn bực, mà chính do cái điều chàng nhìn thấy bên cạnh chiếc ấm đun trà kia.
“Không, không thể thế được”, chàng nghĩ bụng, thỉnh thoảng đưa mắt hết nhìn Vaxya tươi cười cúi xuống nói chuyện với Kitty rồi lại nhìn vợ đỏ bừng mặt, xúc động.
Có cái gì khiếm nhã trong dáng ngồi của Vaxya, trong cái nhìn, trong nụ cười của anh ta. Thậm chí, Levin còn thấy cả dáng ngồi và cái nhìn của Kitty cũng vô lối nữa. Một lần nữa, tất cả lại tối sầm trước mắt chàng. Cũng như hôm qua, không hề có sự chuyển tiếp nào, chàng bỗng cảm thấy bị xô từ chót đỉnh của hạnh phúc, thư thái và phẩm giá xuống vực thẳm của tuyệt vọng, tàn ác và nhục nhằn. Chàng thấy cả thế gian đều tởm không chịu nổi.
– Thưa phu nhân, xin phu nhân muốn sao cứ làm vậy, – chàng nói, mắt vẫn nhìn đi chỗ khác.
– Việc gì cũng có mặt tốt mặt xấu, – Stepan Ackađich nói với chàng, giọng bông lơn, không những ám chỉ câu chuyện của phu nhân mà còn ám chỉ nguyên nhân khiến Levin bối rối mà ông ta đã đoán biết. – Đôly, sao hôm nay mình xuống chậm thế!
Mọi người đứng dậy chào Đarya Alecxandrovna. Vaxya chỉ đứng dậy một tí, và với thói bất lịch sự vốn là đặc điểm của lớp thanh niên ngày nay, anh ta chào thoáng một cái và lại vừa cười vừa tiếp tục câu chuyện nói dở.
– Con Masa không để em ngơi phút nào cả. Nó kém ngủ và trở nên trái tính trái nết ghê gớm, – Đôly nói.
Câu chuyện giữa Vaxya và Kitty lại xoay quanh vấn đề ngày hôm trước: họ nói về Anna và hỏi nhau người ta có thể đặt tình yêu lên trên mọi tập tục xã hội không. Câu chuyện làm Kitty khó chịu và đâm bối rối, do cả bản thân vấn đề lẫn giọng điệu của Vexlovxki và nhất là vì nàng biết trước nó sẽ tác động như thế nào đến chồng. Nhưng tính nàng vốn quá giản dị và hồn nhiên nên không biết đường cắt đứt câu chuyện, thậm chí không biết che giấu vẻ vui thích hời hợt mà những biểu hiện ân cần của gã trai trẻ đã đem đến cho nàng. Nàng muốn chấm dứt cuộc nói chuyện, nhưng không biết làm thế nào. Nàng biết mọi cái mình làm đều sẽ bị chồng hiểu theo nghĩa xấu. Và, quả vậy, khi nàng hỏi Đôly là Masa làm sao và khi Vaxya quay sang lạnh nhạt nhìn Đôly, chờ cái câu chuyện chán phèo đối với anh ta đó kết thúc, thì Levin thấy câu hỏi đó thật gượng gạo và giả dối đến ghê tởm.
– Hôm nay, ta có đi hái nấm không? – Đôly hỏi.
– Ồ có chứ, em sẽ cùng đi, – Kitty nói, và đỏ bừng mặt. Nàng muốn theo phép lịch sự hỏi xem Vaxya có đi không, nhưng không dám. – Koxtia, mình đi đâu đấy, – nàng hỏi chồng với vẻ phạm lỗi khi chàng quả quyết bước qua mặt nàng. Vẻ bối rối trên mặt nàng đã xác nhận mọi mối nghi ngờ của Levin.
– Có một thợ máy đến trong khi tôi đi vắng, tôi chưa kịp gặp anh ta, – chàng trả lời, không nhìn nàng.
Chàng đi xuống nhưng chưa kịp ra khỏi phòng làm việc thì đã nghe thấy tiếng chân quen thuộc của vợ chạy xuống sầm sầm không cần giữ gìn gì nữa.
– Mình cần gì? – chàng lạnh nhạt hỏi vợ.
– Chúng tôi đang bận.
– Tôi xin lỗi, – nàng quay về phía anh thợ máy người Đức, nói – tôi cần nói chuyện với nhà tôi một tí.
Người Đức định lui ra, nhưng Levin bảo:
– Anh cứ ở đây.
– Có phải ba giờ tàu chạy không? – người đó hỏi.
– Tôi không muốn bị nhỡ. Levin không trả lời và ra ngoài với vợ.
– Thế nào, cô có chuyện gì cần nói? – chàng nói với vợ bằng tiếng Pháp. Chàng không nhìn thẳng vào mặt vợ và không muốn trông thấy nàng run bắn cả chân tay, giữa lúc bụng mang dạ chửa. Nàng có vẻ rũ rượi và thiểu não.
– Em… em muốn nói với anh rằng chúng ta không thể sống như thế này được, đó là một cực hình… – nàng nói.
– Ở nhà bếp có người đấy, cô đừng có to tiếng, – chàng đáp, giọng cáu kỉnh.
– Thế thì lại đây, anh.
Họ đang đứng ở phòng chờ. Kitty định sang buồng bên cạnh nhưng cô gia sư người Anh lại đang dạy Tanya học ở đấy.
– Ta ra vườn vậy! ở ngoài vườn, lại chạm trán bác nông dân đang cào cỏ lối đi. Và, chẳng buồn nghĩ đến việc bác ta đã trông thấy mặt mày họ nhớn nhơ nhớn nhác như đang chạy trốn trước tai hoạ, họ cứ bước thẳng vội vã, cảm thấy cần nói ra tất cả những điều chất nặng trong lòng, phân giải cho nhau khỏi hiểu lầm, cần được đứng một mình với nhau trong vài phút và do đó, tự giải thoát khỏi giày vò.
– Không thể sống như thế này được! Đó là một cực hình. Em đau khổ, anh đau khổ. Tại sao lại như vậy? – cuối cùng, nàng nói, khi họ đi tới một chiếc ghế dài trơ trọi trong góc, trên lối đi giữa rặng bồ đề.
– Chỉ cần em nói với anh điều này thôi: trong thái độ anh ta, có đúng là có cái gì chướng mắt, bỉ ổi và điếm nhục không? – chàng nói và lại đứng sững trước mặt nàng, vẫn với cái dáng như hôm nọ, hai nắm tay áp chặt vào ngực.
– Vâng, – nàng trả lời, giọng run run. – Đấy, Koxtia, anh thấy rõ em không có tội tình gì! Em đã toan lập tức nói thẳng cho anh ta biết, nhưng với loại người ấy… Tại sao anh ta lại đến đây? Trước đó, chúng ta đang sung sướng bao nhiêu! – nàng nói, nghẹn nào giữa những tiếng nấc làm rung cả tấm thân nặng nề vì sắp đến kì sinh nở.
Người làm vườn ngạc nhiên thấy họ trở lại qua trước mặt bác với bộ mặt bình thản và rạng rỡ. Tuy vậy, nào có ai đuổi theo họ đâu, họ chẳng cần chạy trốn và họ cũng chẳng tìm ra cái gì đặc biệt sung sướng trên tấm ghế dài nọ.