Chiếc bật lửa thần
Một anh lính đang đi trên đường cái. Một, hai! Một, hai! Bọc đồ trên lưng và gươm cạnh sườn, anh vừa tham chiến về, đang trên đường trở lại quê hương. Dọc đường, anh bỗng gặp một mụ phù thuỷ già. Nom mụ thật gớm ghiếc. Môi dưới trễ xuống đến tận ngực. Mụ đon đả:
– Chào thầy quyền! Thầy có cái gươm đẹp quá, lại có cái kích to đến thế! Thầy có cần tiền không? Muốn bao nhiêu già này cũng cho.
Anh lính đáp: Thế thì cảm ơn bà mẹ lắm!
– Anh có nom thấy cái cây to này không? Nó rỗng giữa đấy. Leo lên ngọn cây, anh sẽ thấy một cái lỗ, chui vào là tụt được xuống đến đáy. Ta sẽ buộc chiếc thừng này vào người anh, hế anh gọi là ta kéo lên.
Anh lính hỏi: Xuống đến đó rồi làm gì nữa, hở bà mẹ?
– Anh sẽ thấy một con đường rộng, sáng trưng vì có thắp những hơn một trăm ngọn đèn. Anh cũng sẽ trông thấy và phải mở ba cái cửa. Chìa đã cắm sẵn ở ổ khoá rồi đấy. Voà đến căn phòng thứ nhất, có một con chó ngồi trên mặt hòm. Mắt nó to bằng cái chén tống uống nước, nhưng chớ có sợ. Này! Cầm lấy cái tạp dề kẻ ô xanh này của ta. Anh sẽ trải xuống đất, xong đi thẳng tới chỗ con chó, giữ lấy nó rồi mở hòm ra, muốn lấy bao nhiêu silinh thì lấy, lấy bằng thích thì thôi. Đấy là tiền bằng đồng, còn nếu anh thích bạc hơn thì sang buồng bên cạnh. Bên ấy có một con chó mắt to bằng cái bánh xe cối xay, nhưng chớ có lo ngại gì. Lấy cái tạp dề mà túm lấy nó rồi cứ thế mà lấy bạc. Nếu muốn lấy vàng thì bao nhiêu cũng có, chỉ sợ anh không có sức mang thôi, nhưng phải sang căn phòng thứ ba. Có điều là con chó ngồi trên hòm tiền vàng lại có đôi mắt to như những cái tháp tròn cơ đấy. Gớm! Chó đấy thì có một không hai! Đừng sợ. Lại lấy cái tạp dề mà túm lấy nó. Nó sẽ chẳng làm gì được, và anh sẽ tha hồ lấy vàng trong hòm.
Anh lính bảo: Bà mẹ nói nghe được đấy. Nhưng tôi phải trả lại cho bà mẹ cái gì cơ? Chắc bà mẹ cũng sắp đòi tôi điều gì chứ chẳng để không đâu.
Mụ đáp: Không, tôi chẳng đòi gì anh đâu. Tôi chỉ muốn nhờ anh lấy lên cho tôi chiếc bật lửa của bà tôi lần trước xuống đấy để quên thôi.
Anh lính bằng lòng.
– Được, buộc dây thừng vào người tôi đi.
Mụ già mừng rỡ: Có ngay, còn đây, cái tạp dề kẻ ô xanh đây.
Anh lính trèo lên cây, chui vào bên trong thân cây và tới một con đường lớn có thắp hàng trăm ngọn đèn. Anh mở cái cửa thứ nhất. Eo ôi! Trong ấy có con chó mắt to bằng cái chén tống uống nước. Nó đang nhìn anh chằm chằm.
– Này đây, quỷ sứ nhà giời!- Anh lính vừa nói vừa lấy cái tạp dề của mụ phù thuỷ trùm lấy con chó, rồi lấy tiền silinh bằng đồng bỏ vào bọc đầy ứ, không nhét được nữa mới thôi. Sau đó anh đóng hòm lại cẩn thận, đặt con chó vào chỗ cũ rồi qua căn phòng thứ hai. Bên trong lại có một con chó khác, mắt to tựa đôi bánh xe cối xay. Anh lính bảo:
– Sao mày cứ nhìn tao trừng trừng thế? Khéo không có đau mắt đấy!
Anh quăng cái tạp dề của mụ phù thuỷ trùm lên con chó, rồi thấy hòm đựng đầy tiền bạc, anh vội vứt hết đám silinh bằng đồng ban nãy đi và ních tiền bằng bạc đầy bọc và túi quần áo. Thế rồi anh vào căn phòng thứ ba. Khiếp quá! Đúng là có con chó mắt to bằng những tháp tròn đang chồm chỗm ở đấy thật! Mắt nó cứ đảo tít như bánh xe đang lăn thế này này! Anh lính đưa tay lên mũ và cất tiếng:
– Chào mày!
Anh chưa bao giờ trông thấy con chó nào như thế. Anh nhìn nó một lúc rồi nói: “Thôi xin đủ!” và lấy cái tạp dề để trùm lên nó. Sau đó anh mở hòm. Ối giời ơi! Toàn những vàng là vàng! Nhiều đến nỗi đủ để mua tất cả kinh thành Côpenhagơ, tất cả của ngọt của các bà già bán kẹo, tất cả của ngọt của các bà già bán bánh kẹo, tất cả các chú lính chì, tất cả những con quay trên thế gian này!
Số tiền bằng bạc lấy đầy bao và túi quần áo ở buồng bên anh lính vất đi lấy vàng nhét thay vào. Anh còn tống thêm vào mũ và quần nịt đến nỗi gần như không bước đi được nữa. Anh lại đặt con chó lên mặt hòm, đóng cửa buồng và cất tiếng to gọi mụ phù thuỷ:
– Kéo tôi lên đi thôi!
Mụ hỏi: – Anh đã cầm chiếc bật lửa chưa?
Anh lính đáp: – Ồ, chết chửa, tôi quên khuấy đi mất!
Anh quay lại lấy cái bật lửa. Rồi mụ phù thuỷ kéo anh ta lên và…anh lại đang đứng giữa đường cái. Anh hỏi:
– Bà mẹ lấy cái bật lửa này làm gì thế?
Mụ đáp: – Không việc gì đến anh. Lấy được tiền rồi thì giả ta cái bật lửa đây.
Anh lính cương quyết: – Không! Nói ngay cho ta biết mụ định lấy chiếc bật lửa làm gì, không thì ta rút gươm chém cổ mụ bây giờ.
Mụ phù thuỷ vẫn khăng khăng: – Không được!
Thế là anh lính liền chặt phăng ngay đầu mụ. Sau đó anh lấy cái tạp dề của mụ gói tất cả tiền lại, vác lên vai, giấu chiếc bật lửa vào túi áo rồi ra thành phố. Đó là một thành phố đẹp. Anh vào một khách sạn sang trọng nhất, thuê một căn phòng lịch sự nhất và gọi một bữa cơm đắt tiền nhất. Anh có thể tự cho phép mình làm như thế, vì bây giờ anh đã giàu có.
Cậu bé đánh giày nói rằng đôi ủng của anh cũ quá, không xứng đáng với một vị phú ông như anh. Tại anh chưa có thì giờ đi mua giày mới chứ! Nhưng đến ngày hôm sau, anh đã có đôi ủng mới tinh và quần áo cực đẹp. Anh lính của chúng ta đã trở thành một nhân vật quan trọng. Người ta nói cho anh biết tất cả những cái gì đáng xem, đáng để ý đến trong thành phố, và có nói cả đến nhà vua và nàng công chúa đẹp tuyệt vời. Anh hỏi:
– Có thể gặp nàng được không?
Người ta trả lời anh: – Không thể được. Công chúa ở trong một toà lâu đài tứ phía có tường thành và tháp canh bao bọc. Trừ vua ra không một ai đến gặp nàng được, vì có người nói là số nàng phải lấy một anh lính tầm thường, và nếu thật thế thì đức vua sẽ vô cùng đau khổ.
Anh lính nghĩ thầm: Giá mà mình được gặp nàng! Nhưng làm thế nào được bây giờ?
Anh sống một cuộc đời ăn chơi, vào khắp các rạp hát, đi vào vườn thượng uyển bằng xe ngựa bốn bánh. Anh hay bố thí cho kẻ nghèo vì anh thường nhớ đến những năm cơ hàn, bản thân anh không có lấy một xu dính túi. Ngày nay, anh đã giàu có, ăn mặc sang trọng, có nhiều bạn bè, nói tóm lại là một phong lưu công tử toàn thiện toàn mỹ. Anh lấy thế làm vẻ vang lắm.
Nhưng vì cứ có tiêu mãi mà không kiếm ra được đồng nào nên đến một hôm anh chỉ còn có hai silinh thôi. Anh đành phải rời bỏ những căn phòng sang trọng đến ở một căn gác xép nhỏ xíu sát mái nhà, phải tự mình đánh bóng lấy đôi ủng và tự tay đính lại các khuy áo. Không có ông bạn nào đến thăm anh cả, cũng một phần vì phải leo thang gác nhiều quá.