Thứ 7, 14/09/2024 - 11:49

Chương 120: Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon với Achille

04:49 | 16/07/2019

Bước sang năm thứ mười của cuộc chiến tranh, quân Hy Lạp vẫn chưa tỏ ra có khả năng gì thay đổi được tình thế. Một mặt, họ vẫn bao vây thành Troie, một mặt vẫn đem quân đi đánh phá cướp bóc những vùng chung quanh vùng đồng bằng Troade. Nhưng bỗng nhiên một hôm tai họa từ đâu đổ ập xuống đầu quân Hy Lạp, một tai họa khủng khiếp mà xưa nay những người Hy Lạp chưa từng biết đến. Nguyên là từ chuyện lão ông Chrysès, viên tư tế sùng ái của thần Apollon bị Agamemnon lăng nhục, bị Agamemnon không cho chuộc lại người con gái yêu dấu, cụ già buồn rầu tức giận ra về. Cụ cầu khấn thần Apollon, vị thần mà cụ thờ phụng thành kính, bênh vực cho cụ. Cụ xin thần Apollon trừng phạt quân Hy Lạp về tội đã xúc phạm đến cụ, một người đáng kính trọng về tuổi tác và nghề nghiệp thiêng liêng.

Nghe những lời cầu khấn của cụ, người tăng lữ sùng ái của mình, thần Apollon bèn khoác cây cung bạc và ống tên vàng lên vai rồi vội vã rời đỉnh Olympe bay nhanh xuống doanh trại quân Hy Lạp, lòng tràn đầy giận dữ. Từ một nơi cách xa doanh trại, thần Apollon rút những mũi tên vàng ra lắp vào cung, bắn xuống. Tiếng dây cung bật lên lanh lảnh, tiếng xé gió của những mũi tên vàng thần thánh bay đi, rít lên nghe thật ghê rợn. Cứ thế hết loạt này đến loạt khác, súc vật và người trúng tên chết la liệt. Một bệnh dịch bùng lên, lan lây khắp doanh trại quân Hy Lạp khiến cho những giàn lửa thiêu xác bốc khói mù mịt, không lúc nào ngớt. Tình hình thật nguy cấp. Nếu không tìm cách giải trừ được tai họa thì quân Hy Lạp chỉ có một con đường là xuống thuyền về nước, bởi vì họ không thể nào cùng một lúc chống đỡ được những trận tiến công của quân Troie và chống đỡ được cả với bệnh dịch. Achille, người anh hùng chạy nhanh như gió, đã suy nghĩ như thế. Chàng cho triệu tập Đại hội Binh sĩ để tìm nguyên nhân và cách giải trừ tai họa. Hôm đó là vào ngày thứ mười kể từ khi bệnh dịch giáng xuống. Chàng mời nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, lão vương Calchas lên tiếng. Cụ già đầu bạc đứng lên và tiến ra trước hội nghị ba quân, nhưng trước khi tường giải nguyên nhân của tai họa, cụ đòi Achille phải bảo vệ tính mạng cho cụ vì cụ biết những mời cụ nói sẽ đụng chạm đến Agamemnon, và khi một người có quyền hành trong tay mà đem lòng thù ghét, căm giận đối với một kẻ dưới quyền thì sớm muộn hay bằng cách này cách khác, kẻ có quyền cũng tìm cách trả thù. Nói thật mất lòng, xưa nay vốn là như thế. Tất nhiên Achille phải đứng ra trước ba quân thề hứa bảo vệ tính mạng cho cụ. Yên tâm, Calchas nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, đầu bạc trắng bèn nói sự thật:

– Hỡi các vị anh hùng của quân Hy Lạp! Không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta đã quên không dâng lễ hiến tế đều đặn. Cũng không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta vi phạm vào những điều răn dạy thiêng liêng. Tai họa mà chúng ta phải chịu đựng là do vị thần có cây cung bạc, người con trai của Zeus và nữ thần Léto, thần Apollon gây ra. Thần nổi giận vì Agamemnon đã xúc phạm đến lão ông Chrysès, một môn đệ yêu quý của thần. Agamemnon chẳng những không cho cụ già chuộc lại con mà lại còn lăng nhục, đe dọa cụ. Chỉ có mỗi một cách và chúng ta đem trả lại cho cụ già người con gái yêu quý của cụ và dâng cụ một lễ vật hậu hĩ: một trăm súc vật để làm lễ hiến tế tạ tội với thần Apollon thì chúng ta mới được tai qua nạn khỏi.

Nghe Calchas nói xong, Agamemnon sa sầm mặt lại. Lòng đầy tức giận, vị chủ tướng quắc mắt nhìn nhà tiên tri già và đáp lại bằng những lời lẽ quá ư thô bạo. Ông ta cho rằng cụ già tiên tri đầu bạc chỉ toàn dự báo những tai ương chướng họa, chẳng bao giờ báo được một tin tốt lành. Giờ đây lại bói toán những điều gây thiệt hại cho ông ta. Nàng Chryséis là phần thưởng của toàn quân đã chia cho ông. Nếu bây giờ toàn quân nhất trí đòi lại phần thưởng đó thì phải bồi thường cho ông một phần thưởng khác tương xứng để ông khỏi bị thua thiệt, khỏi là người bị tước đoạt mất phần. Nghe Agamemnon nói thật chướng, Achille bèn lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên nhủ. Chàng khuyên Agamemnon hãy vui lòng trả lại người thiếu nữ xinh đẹp Chryséis cho cha nàng. Còn chuyện phần thưởng thì bây giờ đã trót phân chia hết rồi mà quân Hy Lạp chẳng có kho tàng, chẳng có dự trữ vì thế sẽ xin đền bù lại cho chủ tướng thích đáng khi mai đây sau những trận đánh quân Hy Lạp giành được thắng lợi với biết bao chiến lợi phẩm.

Nhưng Agamemnon không nghe. Ông cho rằng Achille bày kế lừa dối ông và nhất quyết không chịu thiệt. Vị Tổng Chỉ huy ra lệnh cho quân sĩ đưa nàng Chryséis xuống thuyền cùng với số súc vật để làm lễ hiến tế, chở đến tận nơi cụ già Chrysès đang chăm nom việc thờ phụng thần Apollon ở một ngôi đền, và tuyên bố sẽ tước đoạt phần thưởng của Achille hoặc của Ajax, của Ulysse, để khỏi thiệt. Thế là mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon và Achille bùng nổ. Achille không thể chịu đựng nổi thói hống hách và tham lam của Agamemnon. Chàng dùng những lời lẽ nóng như lửa mắng nhiếc Agamemnon.

– Hỡi Agamemnon! Ngươi là một kẻ trơ tráo và tham lam trắng trợn nhất trong những người Achéens. Hỏi rằng một chủ tướng như thế thì anh em binh sĩ và các tướng lĩnh tùy tòng làm sao có thể đem hết sức mình ra giao chiến với quân thù, làm sao có thể tuân theo lệnh của ngươi với trái tim khâm phục, tin yêu và tận tụy? Hãy nói như ta, ta đến đây tham chiến chẳng phải vì thù ghét những người Troie. Chính vì nể ngươi, tin yêu ngươi, hơn nữa để báo thù cho Ménélas em trai ngươi, mà ta dẫn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Thế mà ngươi không biết, không hề suy nghĩ về điều đó. Ngươi lại còn dùng quyền lực dọa sẽ tước đoạt phần thưởng mà quân Hy Lạp đã chia cho ta. Đồ mặt chó, đồ vô liêm sỉ. Thử hỏi, sau mỗi chiến thắng khi chia chiến lợi phẩm có bao giờ phần ta được bằng phần ngươi không? Có bao giờ ngươi chịu nhận phần ít hơn hay chia cũng bằng anh em không? Không bao giờ cả. Thế mà chính ta lại là người vào sinh ra tử, xông pha trận mạc, kề vai sát cánh với anh em binh sĩ trước mũi bao ngọn giáo của quân thù! Ngươi đã thế thì ta tuyên bố: ta sẽ không chiến đấu nữa. Ta trở về quê hương ta, xứ Phthie màu mỡ, hưởng một cuộc sống thanh bình bên đàn cừu béo mập với đồng cỏ xanh là hơn cả. Ta không thèm ở lại đây chiến đấu chỉ nhằm mục đích làm giàu cho nhà ngươi.

Nhưng cả hai, Agamemnon, vị Tổng Chỉ huy của liên quân Hy Lạp, và Achille, bức tường thành kiên cố của liên quân Hy Lạp, đều không còn tỉnh táo để lắng nghe những lời khuyên nhủ chân thành và quý giá ấy. Achille vứt cây vương trượng xuống đất, biểu hiện thái độ bất hợp tác và mong rằng điều mong muốn này như một lời thề nguyền thiêng liêng phải được thực hiện: sẽ có một ngày quân Hy Lạp phải hối hận vì đã xúc phạm đến một vị tướng dũng cảm nhất, có sức mạnh siêu việt nhất trong những người Hy Lạp.

Thế là mối bất hòa giữa hai vị tướng đã dẫn đến sự chia rẽ. Agamemnon tham lam không chịu nhường nhịn, lạm dụng quyền hành tước đoạt nữ tỳ Briséis của Achille. Còn Achille bất bình vì bị ức hiếp đã tách mình ra khỏi khối liên minh chiến đấu của quân Hy Lạp. Chàng muốn cho quân Hy Lạp vì sự không tham gia chiến đấu của chàng, sẽ bị dũng tướng Hector bên quân Troie, đánh cho thiệt hại nặng nề, và đó là một bài học, một cái giá phải trả cho việc đã xúc phạm đến chàng. Hơn thế nữa, chàng lại còn ra biển cầu khấn mẹ mình là nữ thần Thétis để nữ thần lên thiên đình cầu xin với thần Zeus giúp cho quân Troie giành được thắng lợi, và đó là đòn trừng phạt những người Hy Lạp vì tội đã làm nhục người con trai của Pélée vốn thuộc dòng dõi của đấng phụ vương Zeus.

Achille ngồi ở bờ biển lòng đầy uất ức, nước mắt trào ra giơ tay lên trời cao cầu khấn người mẹ muôn vàn kính yêu của mình. Từ dưới biển sâu, nữ thần Biển-Thétis nghe thấy hết những lời cầu khấn ấy. Nàng liền rời biển sâu, đội nước đi lên mặt đất, đến ngồi bên Achille, an ủi con, lắng nghe con giãi bày tâm sự, nguyện vọng. Nữ thần vô cùng thương xót cho số phận đứa con trai yêu quý của mình, đứa con đã được Số mệnh tiền định một cuộc đời ngắn ngủi nếu nó tham dự cuộc Chiến tranh Troie, đã thế lại bị ức hiếp đến nỗi buồn phiền, cay cực. Nữ thần hứa với con sẽ lên đỉnh Olympe gặp thần Zeus để cầu xin. Nhưng ngay bây giờ thì chưa được vì đấng phụ vương cùng các vị thần đi sang xứ Éthiopie dự tiệc, phải mười hai hôm nữa mới trở về, và sau đó nữ thần từ giã đứa con yêu quý của mình.

Mười hai hôm sau, nữ thần lên đỉnh Olympe. Thần Zeus nghe nữ thần thuật lại đầu đuôi câu chuyện và lời cầu xin của Achille cũng như của nữ thần. Chà, thật là một công việc khó khăn và phiền toái đối với Zeus. Bởi vì nữ thần Héra vợ Zeus vốn nuôi giữ mối thâm thù với người Troie. Nhưng may thay, lúc nữ thần Thétis đang vật nài, năn nỉ thỉnh cầu đấng phụ vương thì nữ thần Héra không có mặt tại cung điện. Thần Zeus, cả nể không thể từ chối được lời cầu xin của nữ thần Thétis, thần liền gật đầu và ưng chuẩn ra lệnh ngay cho nữ thần Thétis phải cấp tốc rời khỏi đỉnh Olympe kẻo nữ thần Héra bắt gặp thì rầy rà. Ấy thế mà một lát sau khi nữ thần Héra gặp Zeus, nàng lại tra hỏi, căn vặn, xem vừa rồi Zeus đã tiếp vị nữ thần nào và nói những chuyện gì. Bị hành hạ bằng những lời mè nheo, đay nghiến, rỉa rói, Zeus nổi giận, quát mắng bắt vợ phải im ngay, nếu không Zeus sẽ vung tay giáng cho một cái tát. Zeus đe dọa, nếu để Zeus nổi nóng thì không một vị thần nào của đỉnh Olympe can ngăn được. Thấy Zeus nổi cơn thịnh nộ và đe dọa như vậy, nữ thần Héra vô cùng khiếp sợ. Nàng đành ngồi xuống ghế vàng, im thin thít không dám nói một lời nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *