Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Danh mục Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
1. Trong phần kho tàng truyện cổ tích trình bày sau đây, chúng tôi đã gắng chọn lọc lấy những truyện tiêu biểu, sắp xếp theo một hệ thống nhất định, bỏ bớt đi một số những truyện hoặc không phải là truyện cổ tích Việt-nam, hoặc không có giá trị tiêu biểu cho truyện cổ tích Việt-nam. Nói chọn lọc không phải những truyện được đem vào đây là hoàn toàn có tư tưởng tiến bộ. Chúng tôi cũng đem vào một số truyện lạc hậu về phương diện này hay phương diện khác, để bạn đọc thấy được toàn diện truyện cổ tích nước nhà.
2. Phương pháp kể chuyện của chúng tôi là không đơn giản hóa, cũng không tiểu thuyết hóa. Chúng tôi cố gắng kể theo một hình thức riêng, để vẫn giữ được ít nhiều phong vị và không khí cổ của câu chuyện; tất nhiên sẽ vẫn dùng một số từ ngữ quen dùng trước đây. Trừ những truyện cần kể một cách vắn tắt trong mục Khảo dị chúng tôi sẽ chú ý không thêm hoặc bớt những tình tiết quan trọng trong khi xây dựng từng truyện một.
3. Những tài liệu mà chúng tôi sử dụng có hai phần:
– Tài liệu trong các báo chí sách vở (một số lớn là do nhớ lại hoặc do ghi được từ trước, chứ không có trong tay khi viết bộ sách này, cho nên hầu hết các đơn vị không ghi chú được đầy đủ các chi tiết, ví dụ số bài, số trang…). Xem Thư mục tham khảo ở cuối tập V.
– Tài liệu do các người thân và quen biết kể lại (trong đó có một số do phụ thân của chúng tôi lưu lại).
Những tài liệu trên có truyện kể rất vắn tắt, có truyện kể hơi khác nhau về chi tiết. Trong khi xây dựng lại từng truyện, chúng tôi sẽ căn cứ ở tài liệu nào đầy đủ hơn và được nhân dân truyền tụng nhiều hơn, nhưng vẫn không quên tóm tắt dị bản ở các Khảo dị.
4. Chúng tôi có ý tập hợp những truyện giống nhau về một mặt nào đấy vào từng mục riêng như: Nguồn gốc sự vật; Sự tích các câu ví; Thông minh tài trí và sức khỏe, v.v… để tiện cho việc sắp xếp bộ sách, chứ không phải phân loại truyện cổ tích.
Bài trước: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi
Tiếp theo: Bản chất truyện cổ tích