Mụ ấy hư hỏng
Ông thị trưởng đang đứng ở cửa sổ. Ông ta diện một áo sơ-mi mỏng thêu hoa, có lá sen bằng đăng-ten trước ngực, trên đó lóng lánh một chiếc kim đầu bằng kim cương. Ông vừa mới cạo râu xong. Ông làm đứt một tí ở mặt, tạm thời rịt vào đấy một mẩu giấy báo.
– Thế nào, bé con!
Em bé đi qua là con một chị thợ giặt nghèo khổ. Khi đi qua cửa nhà ông thị trưởng, em đã lễ phép ngả mũ chào. Cái mũ lưỡi trai đã gập đôi vì em vẫn cuộn và nhét mũ vào túi.. em bé dừng lại với một vẻ lễ độ, khúm núm như đứng trước nhà vua. Quần áo em tồi tàn nhưng rất sạch sẽ, vá víu cẩn thận. em đi một đôi guốc kếch xù. Ông thị trưởng nói:
– Mày là một đứa bé ngoan, mày lễ phép như thế vừa ý ta lắm. Chắc hẳn mẹ mày đang giặt ngoài bờ sông. Đúng là mày lại mang cho mẹ mày cái của đang thò đầu ra ngoài túi kia chứ gì? Mẹ mày làm thế thật là hư hỏng. Chỗ ấy bao nhiêu đấy?
– Thưa ông, nửa chai ạ!- Em bé sợ hãi quá, trả lời bằng một giọng gần như nghẹn ngào.
Con người đứng đắn ấy nói tiếp:
– Mà sáng nay mẹ mày cũng đã uống đúng chừng đấy rồi chứ gì?
Em bé cãi lại: – Thưa không, hôm qua đấy ạ!
– Hai nửa cộng lại thành một chai. Mẹ mày thật là đồ hư hỏng. Thật đáng buồn, mẹ mày phải lấy làm xấu hổ mới phải. Còn mày cố tránh đừng có trở thành thằng nghiện ruợu, nhưng rồi mày cũng thế, chẳng tránh được đâu con ạ. Tội nghiệp! Thôi đi đi.
Em bé bước đi, Trong lúc mủi lòng, em vẫn cầm chiếc cát két ở trong tay. Gió lùa vào mái tóc vàng hoe của em, hất tung những chùm tóc xoăn dài. Đến góc phố, em ngoặt vào một ngõ hẻm đi ra bờ sông. Ở đó, mẹ em quỳ gối trên chiếc ghế dài, đang ráng sức nện cái bàn đập xuống những bó quần áo to tướng. Cửa cống cối xay đã mở, dòng nước chảy xiết, kéo trôi những tấm khăn trải giường lớn, de dọa lật đổ cả chiếc ghế dài. Chị thợ giặt bắt buộc phải dùng hết sức chống chân xuống giữ. Chị nói với con:
– Một tí nữa thì mẹ bị nước cuốn đi. May quá! Con đã đến, mẹ đang cần phải lấy lại sức một chút. Nước buốt quá mà mẹ phải ngâm ở đây sáu tiếng đồng hồ rồi. Con có mang gì cho mẹ không?
Em bé rút chai rượu ra. Người mẹ cầm lấy tu một ngụm. Chị nói:
– Tốt quá! Nóng cả người! Một ngụm này đã rẻ hơn lại công hiệu ngang một bát xúp. Con trai của mẹ uống một tí đi, trông mặt con tái lắm. Đã sang thu rồi đấy, mặc quần áo mỏng thế chắc con mẹ rét lắm. Úi chào! Sao mà cái nước này buốt thế! Cốt là mẹ đừng ốm! Nhưng không, không thể được. Đưa mẹ uống ngụm nữa. Con cũng uống đi, một ngụm thôi nhé! Chớ có quen thói, con yêu quý tội nghiệp của mẹ!
Chị rời cái ghế dài lên bờ. Nước nhỏ giọt từ chiếc áo và manh chiếu quấn quanh người. Chị lại nói:
– Mẹ đem hết sức lực ra làm việc đến nỗi gần như bật máu ra đầu ngón tay, nhưng mẹ vui lòng làm để nuôi con môt cách lương thiện, con trai yêu quý của mẹ!
Lúc đó có một người đàn bà nhiều tuổi hơn một chút, ăn mặc rách rưới, đi tới. Chị ta bại một nửa chân và chột mắt. Chị kéo một búp tóc lớn xuống che con mắt bị tật, nhưng lại càng làm cho người ta thấy rõ hơn. Chị là bạn của chị thợ giặt. Hàng xóm gọi chị ta là Mactơ què tóc xõa. Mactơ nói:
– Chị phải làm việc vất vả dưới nước lạnh buốt như thế này thật đáng thương! Đúng là chị cần phải uống tí rượu cho lại sức, thế mà có những đứa ác khẩu còn mở miệng ra chê trách chị đấy.
Chị ta nhắc lại bài diễn thuyết hay ho mà ông thị trưởng đã tuôn ra với em bé lúc nãy. Chị đã nghe thấy khi đi ngang qua và chị cũng lấy làm buồn vì ông ta đã nói mẹ em như thế. Chị nói tiếp:
– Chính con người nghiêm khắc ấy, thấy người ta uống vài giọt rượu để giữ sức làm việc nặng nhọc đã cho là một tội nặng, hôm nay lại thết một bữa tiệc lớn có đủ các thứ rượu mùi ngon, rượu vang nặng. Mỗi người uống tới hai ba chai, nhất định không phải là việc uống cho đỡ khát. Nhưng làm thế nào họ có cho là uống rượu đâu, vì họ là những người sang trọng. Còn chị, họ lại bảo là đồ hư hỏng.
Môi run lên vì đau đớn, chị thợ giặt nói:
– A! Ông ấy bảo con thế đấy à? Bảo là con có một người mẹ tính hạnh không tốt… Có thể là đúng, nhưng nhẽ ra chẳng nên nói chuyện đó với trẻ con. Biết bao nhiêu chuyện đau buồn của mẹ đều nhà ấy mà ra cả.
Mactơ nói: – Ngày xưa, khi bố mẹ ông thị trưởng còn sống, chị đã ở cho nhà ấy. Người ta có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.”
Mactơ mỉm cười về câu khôi hài của mình và nói tiếp:
– Câu chuyện là thế này: Ông thị trưởng đã mời rất nhiều người đến dự tiệc. Đến phút cuối cùng ông ta lại định thôi không đặt tiệc nữa, nhưng không kịp, thức ăn đã mua và làm dở rồi. Đầy tớ nhà ấy đã kể chuyện với tôi rằng: lúc ấy có thư báo là em út ông ta vừa chết ở thủ đô Côpenhagơ.
– Chết!- Chị thợ giặt kêu lên, mặt tái xanh như một cái xác không hồn.
– Đúng đấy! Nhưng tại sao chị lại có vẻ quan tâm nhiều đến việc ấy thế? Ừ phải rồi, chị biết ông ta từ hồi ở cho nhà ấy chứ gì?
– Sao? Chết rồi ư? Ông ta có tâm hồn cao quý biết bao! Ông ta chính là hiện thân của lòng nhân từ và hào hiệp. Cũng trong tầng lớp ấy, chẳng mấy người được như ông ta.
Trong lúc nói thế, nước mắt chị thợ giặt chảy ròng ròng trên má. Chị lại nói tiếp:
– Chóng mặt quá! Hay là vì tôi đã uống quá mức nên không chịu được? Tôi thấy rất khó chịu.
Chị tựa người vào một tấm ván. Mactơ bảo:
– Trời ơi, chị bị cảm thật rồi. Cố gắng một tí cho nó qua đi nào! Nhưng chẳng được đâu, tôi thấy chị cảm nặng đấy. Tốt nhất là tôi dẫn chị về nhà.
– Còn đống quần áo kia?
– Cứ để đấy tôi giặt cho. Lại đây, đưa tay đây. Để cháu ở lại trông quần áo. Tôi sẽ quay lại và giặt nốt chỗ dở cho, cũng chẳng còn mấy.
Chị thợ giặt đáng thương lảo đảo bước đi. Chị nói:
– Tôi dầm nước lạnh lâu quá. Từ sáng tôi chưa được ăn uống gì cả. Tôi bị cảm, Giêsuma lạy chúa! Hãy giúp con về được đến nhà! Khổ thay cho con tôi!
Chị khóc sướt mướt. Khi ở lại bờ sông trông quần áo một mình, thằng bé cũng khóc. Hai người đàn bà bước đi chầm chậm. Chị thợ giặt lảo đảo bước qua ngõ hẻm. Đến trước cửa nhà ông thị trưởng, chị kiệt sức ngã lăn ra bờ hè. Người qua đường xúm quanh chị, chị què Mactơ chạy vội về nhà bạn gọi người đến giúp.
Thị trưởng và quan khách ra cửa sổ đứng xem. Ông chủ tiệc nói:
– À, mụ thợ giặt đấy mà, có lẽ mụ ấy lại uống rượu nhiều quá rồi. Mụ ấy thật là hư hỏng. Đáng tiếc cho thằng con trai của mụ, thằng bé ngoan quá, tôi yêu nó lắm… Nhưng mẹ nó lại là đồ khốn kiếp.
Người đàn bà đáng thương hồi tỉnh lại. Người ta đưa chị về gian buồng bé nhỏ tồi tàn của chị, đặt chị nằm vào giường. Mactơ pha cho chị một cốc bia nóng với bơ và đường. Theo chị, đó là môn thuốc tốt nhất. Sau đó, chị quay ra sông giặt qua loa chỗ quần áo, hay đúng hơn, là chỉ rưới nước lên rồi cho vào sọt. Chị có ý định tốt, nhưng chỉ hiềm nỗi yếu sức.
Đến tối, chị đến ngồi cạnh chị thợ giặt trong xó nhà nghèo nàn. Chị bếp nhà ông thị trưởng đưa cho chị chuyển cho người ốm mấy củ khoai rán và một miếng giăm-bông mỡ. Mactơ và em bé chén một bữa thoả thuê. Chị bảo: “Người ốm không ăn được thì ngửi mùi cho lại sức!”
Mactơ đặt em bé nằm ngủ ngang giường, dưới chân mẹ nó và đắp cho nó một cái nệm cũ viền xanh đỏ. Chị thợ giặt đã khá hơn một chút. Hơi thức ăn ngon và bia nóng đã làm cho chị lại sức.
…