Thứ 2, 12/11/2024 - 00:27

Chiến tranh và Hòa bình. Quyển 2 – Chương 1

12:06 | 02/09/2019

Tháng 10-1805, quân đội Nga đã đóng ở các làng lớn và các thị trấn của địa công quốc Áo; luôn luôn có những trung đoàn lục tục từ nước Nga kéo sang và hạ trại ở gần ải Braonao làm thành một gánh nặng cho dân cư vùng này. Braonao là nơi đóng đại bản doanh của Tổng tư lệnh Kutuzov.

Ngày 11-10-1805, một trong những binh đoàn bộ binh vừa mới đến Braonao đang trú quân ngoài thành một nửa dặm Anh để chờ Tổng tư lệnh đến điểm duyệt. Mặc dầu phong cảnh và cuộc sống ở đây không có gì giống như ở Nga, (những vườn cây ăn quả, những bức tường xây bằng đá, những mái nhà lợp ngói, những dãy núi ở chân trời, dân cư địa phương thì nhòm ngó binh sĩ một cách tò mò), nhưng trung đoàn này cũng bày ra một cảnh tượng giống hệt như bất cứ trung đoàn nào khác đang chuẩn bị một cuộc duyệt binh ở một nơi nào đó trong nội địa nước Nga.

Lúc chiều, trên chặng đường cuối cùng, trung đoàn đã nhận đựơc thông báo rằng Tổng tư lệnh sẽ đến điểm duyệt. Lời văn trong bản thông báo có những chỗ mà viên trung đoàn trưởng thấy là không được rõ nghĩa, thành thử ông không biết có nên cho binh sĩ mặc binh phục hành quân hay không: tuy vậy một cuộc họp các tiểu đoàn trưởng để giải quyết vấn đề này đã quyết định rằng bộ đội phải mặc đại quân phục. Vì vậy, sau khi đã đi một cung đường hai mươi dặm Nga, bộ đội phải thức suốt dêm để khâu vá quần áo và lau chùi súng ống; các sĩ quan phụ tá và các đại đội trưởng thì kiểm điểm quân số và tập hợp binh sĩ lại, và sáng hôm sau trung đoàn không còn là một đám người uể oải, lộn xộn như ở chặng hành quân cuối cùng ngày hôm qua nữa, mà đã trở thành một khối hai nghìn người được sắp đặt chỉnh tề, mỗi người đều biết ngôi thứ và nhiệm vụ của mình, mỗi cái khuy áo, mỗi cái dây da đều sạch sẽ láng bóng. Không phải chỉ có bên ngoài là các tươm tất: giả thử Tổng tư lệnh có nẩy ra ý muốn nhìn ở phía dưới các bộ đại quân phục thì sẽ thấy áo lót người nào cũng sạch sẽ cả và sẽ thấy trong mỗi cái bạc đà đủ đều có những vật dụng quy định, “cái dùi khâu dày và bánh xà phòng” như binh sĩ thường nói. Chỉ có một điều làm cho mọi người đều bối rối. Đó là giày. Hơn một nửa số binh sĩ đi giày rách bươm. Nhưng đó không phải là lỗi của trung đoàn trưởng, vì đã yêu cầu thúc giục nhiều lần mà Cục quân nhu Áo vẫn không cung cấp gì cả, mặc dầu binh sĩ đã đi bộ một nghìn dặm.

Người chỉ huy trung doàn là một viên tướng to béo đã có tuổi, lông mày và râu mép đã lốm đốm hoa râm, mặt đỏ gay, rộng ngực hơn là to vai. Ông mặc bộ quân phục mới tinh, có những hằn nếp rất sắc và có hai cái ngù to bự.

– Này, ông bạn Mikhail Dmitrich, quả đêm qua bọn mình phải vất vả khá nhiều đấy! Nhưng tôi xem ra trung đoàn này cũng không đến nỗi… nhỉ? – Ông ta nói với một tiểu đoàn trưởng, trong khi người này vừa cười nụ vừa bước tới. Có thể thấy rõ rằng cả hai người đều rất hồ hởi.

Tiểu doàn trưởng hiểu ý bỡn cợt trong câu nói, liền cười lớn:

– Dầu ở quảng trường Txaritxyn, họ cũng không đuổi kịp trung đoàn ta.

– Sao? – Viên trung đoàn trưởng hỏi.

Liền khi ấy, có hai người cưỡi ngựa xuất hiện ở trên con đường từ thành phố đến (trên con đương này đã có đặt người nghe ngóng từ trước). Đó là một sĩ quan phụ tá và một binh sĩ cô-dắc, viên sĩ quan phụ tá là do Đại bản doanh phái đến để giải thích cho trung đoàn trưởng những điểm không rõ ràng trong bản thông báo hôm qua, nghĩa là Tổng tư lệnh muốn rằng trong lúc hành quân, trung đoàn trang phục như thế nào thì bây giờ cũng phải như vậy: mặc áo ca-pốt, mang bạc đà, và không sửa soạn gì cả.

Số là ngày hôm trước Kutuzov có tiếp tục một nhân viên ở “Viện Ngự tiền quân sự tham nghị” từ Viên đến, mang theo một kiến nghị yêu cầu Kutuzov gấp rút hợp nhất với quân đội của đại công tước Ferdinand và của tướng Mack. Thế nhưng Kutuzov không cho rằng việc hợp nhất là có lợi và đã quyết định, đồng thời với những bằng chứng khác, cho viên tư lệnh áo biết cái tình trạng đáng buồn của quân đội Nga mới đến để chứng minh ý kiến của mình. Chính vì vậy ma Kutuzov muốn gặp trung đoàn, và tình trạng của trung đoàn càng kém cỏi bao nhiêu thì ông ta càng vừa ý bấy nhiêu. Viên sĩ quan phụ tá không biết những chi tiết ấy, nhưng cũng truyền đạt cho viên chỉ huy biết cái yêu cầu nhất quyết của Kutuzov là binh sĩ phải mặc áo ca-pốt và mang bạc đà, và nhấn mạnh rằng nếu không thế thì Kutuzov sẽ không bằng lòng.

Nghe xong, viên chỉ huy cúi đầu, lặng lẽ nhún vai, rồi dang hai tay ra một cách bực tức.

– Rõ thật phiền! Ông Mikhail Dmitrich này, tôi đã nói với ông rằng chúng ta hành quân thì phải mặc áo ca-pốt, – viên chỉ huy nói với bộ mặt kiên quyết – Các ông đại đội trưởng! – Ông ta hô lớn với cái giọng của một người đã quen ra lệnh… Các tào trưởng! Ngài đã đến gần chưa? – Ông ta hỏi viên sĩ quan phụ tá với một giọng tỏ rõ lòng cung kính của mình với nhân vật đang được nhắc đến.

– Còn một giờ nữa, tôi chắc thế.

– Chúng ta có đủ thì giờ để thay đổi trang phục không?

– Thưa tướng quân, tôi cũng không rõ.

Viên chỉ huy đến bên hàng ngũ binh sĩ và ra lệnh cho mọi người phải mặc áo ca-pốt. Các đội trưởng, người nào người nấy chạy về đại đội của mình, các tào trưởng thì lăng xăng cuống quýt (áo ca-pốt không được tốt lành cho lắm) và trong khoảnh khắc, những cái hình vuông vốn chỉnh tề và nghiêm trang bỗng trở thành lộn xộn, ồn ào. Chỗ nào cũng có binh sĩ chạy đi chạy lại họ hất vai cởi bạc đà qua đầu, mở ra lấy ca-pốt rồi giơ tay lên, xỏ vào ống.

Sau nửa giờ lại có trật tự như trước, chỉ khác ở chỗ là những cái hình vuông trước kia đen htì nay đã trở thành xám. Viên chỉ huy tiến lên trước trung đoàn với dáng đi giật nảy như trước và từ xa đưa mắt nhìn qua trung đoàn một lượt.

– Lại còn cái gì thế? Thế là nghĩa lý gì? – Viên chỉ huy quát lên và dừng lại. – Gọi ngay viên đại đội trưởng đại hội trưởng đại hội ba đến đây!…

– Đại đội trưởng đại đội ba lên ngay, có lệnh của tướng quân!

– Đại đội trưởng có lệnh tướng quân! Đại đội ba lên ngay, có lệnh đại đội trưởng? – đó là những tiếng gọi phát ra từ trong hàng ngũ, sau đó một sĩ quan phụ tá chạy đi tìm viên sĩ quan lề mề mãi bây giờ vẫn chưa thấy đến.

Khi những tiếng gọi sốt sắng nhưng sai lạc đến nỗi thành ra “tướng quân lên ngay, có lệnh đại đội ba”, đã thấu tai người đương sự người ấy đã tách khỏi đại đội của mình và mặc dầu đã có tuổi, lại không quen chạy, cũng có chân chạy nước kiệu về phía chỉ huy, luống cuống đến nỗi mũi giày cứ vấp vào nhau. Bộ mặt của viên đại uý biểu hiện vẻ lo lắng của một cậu học trò không thuộc bài bị gọi lên bảng. Có nhiều vết hằn hiện ra trên khuôn mặt đỏ gay (chắc là vì uống rượu quá nhiều), còn cái miệng thì không sao ổn định vị trí được. Viên chỉ huy trung đoàn xem xét viên đạì đội từ đầu đến chân trong khi ông vừa thở hồng hộc, vừa chạy đến gần và dần dần chậm bước lại.

– Rồi đến lúc anh bắt binh sĩ phải mặc áo xarafan hẳn? Thế là nghĩa lý gì? – Viên chỉ huy vừa nói vừa trề hàm duới ra, vừa chỉ trong hàng ngũ của đại đội ba một người lính mặc áo ca-pốt màu da khác hẳn mọi người – Anh đi đâu, hả? Tổng tư lệnh sắp đến mà anh lại rời bỏ vị trí hả?

Rồi tôi cho anh biết tay, nếu quá thật anh muốn trang phục binh sĩ Áo bằng Karakin trong một cuộc điểm binh!… Hả?

Hai mắt nhìn chăm chăm vào cấp trên, viên đại uý mỗi lúc một ấn mạnh thêm ngón tay vào vành mũ lưỡi trai, tưởng chừng chỉ có làm như thế mới thoát nạn.

– Thế nào? Tại sao anh không nói gì cả? Con người cải trang thành người Hunggari trong đại đội của anh là ai đấy? – viên chỉ huy nói nửa khôi hài, nửa nghiêm khắc.

– Bẩm quan lớn…

– Sao, “Bẩm quan lớn” cái gì? Bẩm quan lớn! Bẩm quan lớn?

– Nhưng bẩm quan lớn là gì chẳng ai biết cả.

– Thế tôi hỏi anh nó được thăng chức thống chế hay là đã bị giáng xuống làm lính? Đã là lính phải phục như mọi người lính khác, theo đúng quy chế.

– Bẩm quan lớn, ngài đã cho phép nó trong lúc hành quân…

– Cho phép? Cho phép? Cánh trẻ các anh đều như thế cả – viên chỉ huy nói, giọng hơi dịu lại – Cho phép? Nói với các anh cái gì thì các anh… – viên chỉ huy yên lặng một lúc – Nói với các anh cái gì thì các anh cứ… Thế nào? – Ông ta nói thêm giọng lại gắt gỏng như trước – Tôi xin ông bảo binh lính ăn mặc cho tử tế?

Sau khi liếc nhìn viên sĩ quan phụ tá, ông ta tiến về phía trung đoàn, với dáng đi giật nảy. Rõ rảng ông ta lấy làm thích thú về cơn phẫn nộ của mình, và trong khi đi qua trung đoàn ông ta lại muốn tìm cớ để nổi giận. Sau khi đã thét mắng một viên sĩ quan vì phù hiệu không lau chùi, một viên khác vì sắp hàng không thẳng hàng, ông ta đến trước đại đội ba.

– Mày đứng thế à? Chân mày ở đâu? Chân ở đâu? – Viên trung đoàn trưởng quát to, trong giọng nói có một âm hưởng đau đớn, trong khi Dolokhov mặc áo dài xanh nhạt còn cách ông ta một quãng năm người.

Dolokhov sửa lại cách đứng thẳng chân lên, và đưa đôi mắt trong sáng và xấc xược nhìn thẳng vào mặt viên chỉ huy.

– Sao lại mặc áo dài xanh? Cởi ra… Tào trưởng! Bắt nó thay trang phục ngay… đồ du c…

– Thưa tướng quân, tói phải vâng theo mệnh lệnh, nhưng tôi không bắt buộc phải chịu đựng… Dolokhov nói vội.

– Cấm nói trong hàng ngũ. Không được nói, không được nói!

– Tôi không bắt buộc phải chịu đựng những lời nhục mạ – Dolokhov dõng dạc nói tiếp, giọng sang sảng.

Mặt viên chỉ huy và mắt người lính gặp nhau. Viên chỉ huy im lặng và nắm tấm đai chéo ngực kéo xuống một cách bực tức.

– Thôi tôi xin ông đổi trang phục cho – Ông ta vừa nói vừa bỏ đi.

– Đến rồi! – một người lính canh kêu to.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *