Chủ Nhật, 02/12/2024 - 00:08
01:39 | 02/09/2019

Tuy Balasov rất quen thuộc với cảnh sang trọng ở cung đình, ông ta cũng phải kinh ngạc trước cảnh xa hoa và tráng lệ trong triều đình của Napoléon.

Bá tước De Tuyren dẫn ông ta vào một gian phòng tiếp tân lớn. Trong phòng có nhiều tân khách đang ngồi đợi: Những vị tướng, những viên thị thần và những vị vương công Ba Lan, trong đó có nhiều người Balasov đã từng gặp ở triều đình hoàng đế Nga. Duyroc cho biết rằng hoàng đế Napoléon sẽ tiếp viên tướng Nga trước khi đi dạo.

Đợi được mấy phút thấy viên thị thần trực nhật bước ra phòng khách, kính cẩn cúi chào Balasov và mời ông đi theo mình.

Balasov bước vào một gian phòng khách nhỏ; từ đấy có một cánh cửa dẫn vào phòng giấy, chính căn phòng giấy trong đó hoàng đế Nga đã trao sứ mệnh cho ông ta: Balasov đứng đợi và ba phút.

Sau cánh cửa có tiếng bước vội vàng. Hai cánh cửa cùng mở ra rất mạnh, tất cả đều im lặng, vài từ phòng giấy vọng ra những tiếng bước khác, những bước chân rắn rỏi, quả quyết: đó là Napoléon.

Ông ta vừa sắm sửa ăn mặc xong và đã sẵn sàng lên ngựa đi dạo. Ông mặc quân phục màu xanh, áo ngoài để lộ khoảng gi-lê trắng phủ lên trên cái bụng tròn; một chiếc quần dạ trắng bó sát lấy hai bắp vế béo núc ních trên đôi chân ngắn đi ủng ngựa ống cao quá gối. Có thể thấy rõ rằng món tóc ngắn của ông ta vừa được chải chuốt xong, nhưng có một cái bườm mỏng rủ xuống ở chính giữa vầng trán rộng. Cái cổ trắng và béo múp míp nổi lên trên cái cổ áo màu đen của bộ quân phục, khắp eau – de cologne(1). Trên khuôn mặt đầy đặn và trông vẫn trẻ của ông ta lộ tõ vẻ mềm nở đôn hậu và uy nghi của một bậc đế vương tứ tuần sống trong cảnh sung túc. Ngoài ra còn có thể thấy rõ rằng ngày hôm ấy ông ta đang ở trong một tâm trạng cực kỳ phấn chấn vui vẻ.

Ông gật đầu đáp lại cái chào rất thấp và kính cẩn của Balasov, rồi lại gần viên tướng Nga và bắt đầu nói ngay, như một người biết quý từng phút một trong thời gian của mình và không thèm chuẩn bị lời nói của mình làm gì, vì tin chắc mình bao giờ cũng nói hay và nói đúng những điều cần biết.

– Xin chào tướng quân! – Ông ta nói – Tôi đã nhận được bức thư của hoàng đế Alekxandr mà ngài đưa lại, và tôi rất lấy làm mừng được gặp ngài. – Ông ta đưa đôi mắt to nhìn vào mặt Balasov rồi lập tức nhìn sang một bên.

Hiển nhiên là ông ta không hề mảy may chú ý đến cá nhân Balasov. Có thể thấy đối với ông ta, tất cả những gì ở bên ngoài đều không có ý nghĩa gì. Bởi vì theo ý ông ta thì mọi việc trong thiên hạ đều chỉ lệ thuộc vào ý muốn của ông.

– Tôi không muốn chiến tranh, trước kia hay ngay bây giờ cũng vậy, – Napoléon nói – Ngay lúc này đây (ông ta nhấn mạnh vào chữ này) tôi cũng vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả những lời trình bàycủa ngài.

Và ông ta bắt đầu trình bày một cách ngắn gọn và phân minh những nguyên nhân khiến ông ta bất bình đối với chính phủ Nga.

Nghe giọng nói bình tĩnh và ôn tồn của hoàng đế Pháp, Balasov tin chắc rằng ông ta muốn hoà bình và có ý định mở cuộc điều đình.

– Tân bệ hạ, Chúa thượng của tôi, – Balasov mở đầu đoạn diễn từ đã sẵn từ lâu khi Napoléon đã nói xong và đưa mắt nhìn viên sứ thần Nga có ý dò hỏi; nhưng cái nhìn chằm chặp của vị hoàng đế làm cho Balasov bồi hồi rồi. “Ông đang bối rối – ông hãy định thần lại”, Napoléon có vẻ như muốn nói thế trong khi đưa mắt ngắm nghía bộ quân phục và thanh kiếm của Balasov, môi chỉ hơi nhếch lên nở một nụ cười kín đáo. Balasov định thần lại và bắt đầu nói.

Ông ta nói rằng hoàng đế Alekxandr cho việc Karakin xin hộ chiếu về nước không phải là một lý do đầy đủ về khai chiến, rằng Kurakin đã tự tiện làm việc đó không có sự chuẩn bị của hoàng đế, rằng hoàng đế Alekxandr không muốn chiến tranh, và chính phủ Nga không hề có mối liên hệ gì với nước Anh cả.

– Chưa có Napoléon chêm vào, và dường như sợ bị tình cảm của mình chi phối, ông ta cau mày và khẽ gật đầu. Ý muốn cho Balasov có thể cứ nói tiếp.

Sau khi nói hết những điều vua Alekxandr căn dặn, Balasov nói thêm rằng hoàng đế Alekxandr muốn hoà bình, nhưng nếu chỉ điều đình với điều kiện nhất thiết là… đến đây Balasov phân vân: ông ta nhớ lại những lời mà hoàng đế Alekxandr không viết trong thư nhưng có dặn là thế nào cũng phải ghi vào bản chỉ dụ gửi Xaltykov và riêng Balasov thì phải truyền đạt lại cho Napoléon nghe Balasov nhớ rõ từng câu ấy: “Hễ còn một tên địch vũ trang trên đất Nga”, nhưng một cảm giác gì phức tạp ngăn ông ta lại. Ông không sao nói được câu ấy, tuy cũng đã định nói ra. Ông do dự một lúc rồi nói: với điều kiện là quân đội Pháp rút sang bên kia sông Neman.

Napoléon nhận thấy Balasov do dự trong khi nói mấy câu cuối cùng này; mặt ông ta hơi rung rung, bắp chân phải máy lên từng đợt. Vẫn đứng yên ở chỗ cũ, ông bắt đầu nói, cao giọng và hấp tấp hơn trước. Trong khi Napoléon nói, chốc chốc Balasov bất giác lại đưa mắt nhìn xuống cái bắp chân của ông ta đang máy lên từng đợt. Napoléon càng rất cao giọng thì bắp chân lại càng máy mạnh hơn.

– Tôi mong muốn hoà bình chẳng kém gì hoàng đế Alekxandr. –

Napoléon mở đầu. – chẳng phải chính tôi trong suốt mười tám tháng trời đã làm đủ mọi cách để đạt đến hoà bình đó sao? Suốt mười tám tháng tôi đã nhận những lời giải thích. Nhưng muốn mở cuộc đàm phán thì người ta đòi hỏi tôi những gì? – Ông ta cau mày nói và vung mạnh bàn tay trắng trẻo, béo múp míp lên làm một cử chỉ có ý gạn hỏi.

– Sang bên kia sông Neman à? – Napoléon nhắc lại, – Thế ra bây giờ các ông muốn tôi rút về bên kia sông Neman, chỉ bên kia sông Neman thôi ư? – Napoléon nói, mắt nhìn thẳng vào Balasov.

Balasov kính cẩn cúi đầu.

Bốn tháng trước đây người ta đòi Napoléon rút ra khỏi xứ Ponmeranya, thì bây giờ người ta chỉ yêu cầu ông rút về bên kia sông Neman nữa mà thôi.

Napoléon quay ngoắt đi và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

– Ngài nói rằng người ta đỏi tôi phải rút quân về bên kia sông Neman rồi mới chịu mở cuộc đàm phán, nhưng cách đây hai tháng người ta cũng đòi tôi rút về bên kia sông Vixla đúng như thế, nhưng mặc dù tôi không rút, các ông cũng vẫn ưng thuận mở cuộc đàm phán như thường.

Ông ta yên lặng đi từ góc này sang góc kia và trở lại đứng trước mặt Balasov. Gương mặt nghiêm khắc của ông dường như sắt lại và bắp chân trái lại máy nhanh hơn trước nữa Napoléon biết rõ tật máy chân này. Máy bắp chân là một triệu chứng quan trọng trong người tôi, – về sau ông ta có nói như vậy.

– Những việc như rút quân về bên kia sông Oder và Vixla thì chỉ có thể đề nghị với thân vương Baden chứ không thể đem ra đề nghị với tôi được, – Napoléon bỗng nói như quát lên, và chính ông ta cũng không ngờ rằng mình lại nói như vậy. – Các ông có cắt cho tôi Petersburg và Moskva tôi cũng nhận những điều kiện ấy. Ông bảo là tôi đã khởi chiến trước à? Thế thì ai trở về quân doanh trước?

Hoàng đế Alekxandr chứ không phải tôi. Các ông đề nghị tôi đàm phán trong khi tôi đã chi tiêu bạc triệu, trong khi các ông liên kết với nước Anh và khi tình thế của các ông bất lợi – các ông đề nghị đàm phán với tôi – Thế thì các ông liên kết với nước Anh nhằm mục đích gì? Nước Anh đã cho các ông những gì. – Ông ta nói hấp tấp, bây giờ hẳn không còn có ý lái câu chuyện trở lại chỗ trình bày những lợi ích của việc ký kết hoà ước hay thảo luận xem có thể ký hoà ước được không, mà chỉ muốn tỏ rõ rằng mình phải, mình mạnh, và chứng minh rằng Alekxandr là trái, là sai.

Khi mở đầu cuộc nói chuyện ông ta chỉ có ý muốn biểu dương ưu thế của mình và cho người ta thấy rằng tuy thế mình vẫn nhận mở cuộc đàm phán. Nhưng Napoléon đã bắt đầu nói rồi, và càng nói ông càng mất tự chủ trong lời lẽ.

Bây giờ rõ ràng là ông chỉ nói để đề cao mình lên và lăng nhục Alekxandr, nghĩa là để làm chính cái việc mà lúc ban đầu ông chẳng muốn tí nào.

– Nghe nói các ông ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ rồi phải không?

Balasov cúi đầu tỏ ý khẳng định.

– Hoà ước đã được ký kết. – Ông ta mở đầu.

Nhưng Napoléon không để cho ông ta nói. Có thể thấy rõ rằng bây giờ Napoléon cần nói một mình, ông tiếp tục nói một cách hùng hồn và với một vẻ bực tức không hề kiềm chế, như những người quen được cuộc sống nuông chiều vẫn thường làm.

– Phải, tôi biết, các ông ký hoà ước với người Thổ tuy các ông chưa được thu lại hai tỉnh Moldavi và Valakhi. Còn như tôi thì tôi sẵn sàng cho nhà vua các ông hai tỉnh này cũng như tôi đã từng cho các ông xứ Phần Lan. Phải, – Napoléon nói tiếp. – Tôi đã hứa và tôi sẵn lòng cho hoàng đế Alekxandr hai tỉnh Moldavi và Valakhi, nhưng bây giờ thì ông ta sẽ không có được hai tỉnh giàu đẹp ấy nữa rồi. Lẽ ra vua và các ông có thể sáp nhập hai tỉnh ấy vào đế quốc Nga, và chỉ trong một triều vua ông ta đã có thể mở rộng bờ cõi nước Nga từ vịnh Botni đến cửa sông Donao. Đến Ekatemia, Đại nữ hoàng cũng không thể làm hơn được, – Napoléon càng nói càng hăng, vừa nói vừa đi trong phòng, nhắc lại cho Balasov nghe những lời gần đúng hệt như những lời ông đã nói với Alekxandr ở Tilzip.

– Giá ông ta biết giữ tình bạn của tôi thì đã được tất cả những cái đó rồi. Ô! Một triều vua như vậy đẹp đẽ biết nhường nào, đẹp đẽ biết nhường nào! – Ông ta nhắc đi nhắc lại mấy lần như vậy, rồi đừng lại, thọc tay vào túi lấy hộp thuốc lá bằng vàng và đưa lên mũi hít một cách hăm hở. – Giá được như vậy thì triều đình Alekxandr sẽ đẹp đẽ biết nhường nào!

Ông ta nhìn Balasov có vẻ thương hại và Balasov vừa hé miệng toan nói một câu gì thì ông ta đã hấp tấp ngắt lời ngay.

– Giá ông ta biết giữ tình bạn của tôi thì muốn gì mà chả được?

Napoléon vừa nói vừa so vai tỏ vẻ băn khoăn:

– Nhưng không, ông ta lại thích dung nạp những kẻ thù của tôi hơn, mà đó là những con người thế nào kia chứ? Ông ta dung nạp những bọn như Stanin, Amlfeld, Benrigxen, Vintxigherot. Stanin là một tên phản bội bị đuổi ra khỏi tổ quốc; Armfeld là một kẻ truỵ lạc và giảo hoạt; Vintxigherot là một công dân Pháp đào ngũ, Benrigxen thì ít nhiều còn ra con nhà võ hơn bọn kia, nhưng vẫn là một tên bất tài, dạo 1807 chẳng biết làm ăn ra sao cả và lẽ ra phải gợi lại cho Alekxandr những kỷ niệm khủng khiếp lắm mới phải… nếu quả bọn ấy có năng lực thì còn có thể dùng được. – Napoléon nói tiếp, lời nói chật vật lắm mới theo kịp những luận chứng không ngừng nẩy ra trong óc để cho Balasov thấy rõ rằng ông ta phải hay ông ta mạnh (trong quan niệm của Napoléon thì cái đó chỉ là một), – nhưng đằng này chúng nó có tài cán gì đâu: thời bình hay thời chiến chúng vẫn là đồ vụng! Nghe nói Barclay có tài nặng hơn cả bọn kia, nhưng cứ xem những cách hành quân của hắn dạo đầu thì tôi chả thấy thế. Và tất cả cái bọn triều thần ấy làm gì, chúng làm cái gì. Plul thì đề nghị, Amlfeld thì bác bỏ, Benrigxen thì khảo sát, còn Barclay, người có nhiệm vụ hành động thì chẳng biết nên quyết định làm gì, trong khi đó thì thời gian cứ trôi qua. Chỉ có một mình Bagration thật là có nhãn lực và quả quyết… thế còn nhà vua trẻ của các ông thì đóng vai trò gì trong cái đám người không ra hồn ấy? Họ làm trò gì trong cái đám người không ra hồn ấy? Họ làm cho ông ta mất thanh danh và có việc gì xảy ra họ cũng đồ hết trách nhiệm cho ông ta cả. Một nhà vua chỉ nên ở quân doanh khi nào mình là một tướng lĩnh! – Napoléon nói, hẳn là có ý ném thẳng câu này vào mặt Alekxandr như một lời thách thức. Ông ta thừa biết rằng Alekxandr rất muốn đóng vai trò thống soái.

– Chiến dịch đã bắt đầu được một tuần rồi mà các ông cũng không biết cách phòng thủ Vilna. Các ông đã bị cắt ra làm đôi và bị đuổi ra khỏi các tỉnh Ba Lan rồi. Quân đội các ông đang oán thán.

– Tâu hoàng thượng, trái lại… Balasov nói, bấy giờ ông ta chật vật lắm mới nhớ được những điều người ta nói với mình và theo kịp những lời tung ra tới tấp như pháo hoa này – Trái lại quân đội chúng tôi nức lòng muốn…

– Tôi biết hết, – Napoléon ngắt lời Balasov, – Tôi biết hết, tôi biết số tiểu đoàn của các ông một cách chính xác như số tiểu đoàn của tôi vậy. Quân số các ông không đầy hai mươi vạn, còn quân số của tôi thì đông gấp ba lần như thế, tôi xin lấy danh dự mà nói với ông như vậy – Napoléon quên khuấy đi rằng lời nói danh dự ấy không thể nào có nghĩa lý gì hết – Tôi xin lấy danh dự mà nói với ông rằng tôi hiện có năm mươi ba vạn quân ở phía bên này sông Vixla, các ông không thể trông mong gì vào quân Thổ được: họ chẳng làm được trò trống gì đâu và họ đã chứng minh điều đó khi ký hoà ước với các ông. Người Thuỵ Điển thì có cái số bị những ông vua điên rồ cai trị. Vua của họ điên, họ phế truất ông ta đi và tôn Bemadot lên làm vua. Vừa làm vua một cái là Beradot đã phát điên ngay, bởi vì đã là người Thuỵ Điển thì chỉ có điên mới đi liên kết với nước Nga. – Napoléon mỉm cười hiểm độc và lại đưa thuốc lá lên mũi hít.

Napoléon nói ra câu nào, Balasov cũng muốn bác lại; chốc chốc ông ta lại nhấp nhỏm như đang muốn nói gì, nhưng Napoléon cứ cướp lời ông ta. Khi nghe nói đến bệnh điên rồ của người Thuỵ Điển. Ông ta muốn bác bỏ lại rằng nước Thuỵ Điển là một hòn đảo khi có nước Nga làm hậu thuẫn; nhưng Napoléon điên tiết quát to lên để át giọng ông ta. Napoléon đang ở trong cái trạng thái khích động thúc đẩy ông ta thấy cần nói, nói nữa, nói mãi để chứng minh cho mình thấy là mình đúng. Balasov thấy khó xử quá: là một sứ giả, ông sợ mất thể diện nên không bác lại; nhưng là một con người, ông giữ vững tinh thần trước cơn phẫn nộ vô cớ bấy giờ đã làm cho Napoléon mất hẳn tự chủ. Ông biết rằng tất cả những lời Napoléon nói ra trong lúc này đều không có ý nghĩa gì, rằng khi trấn tĩnh lại ông ta sẽ lấy làm xấu hổ về những lời nói đó.

Balasov đứng yên, mắt nhìn xuống phía đôi chân béo đẫy của Napoléon đang đi đi lại lại, và cố tránh nhìn vào mặt ông ta.

– Nhưng tôi cần gì quan tâm đến các bạn đồng minh của các ông? – Napoléon nói. – Tôi cũng có đồng minh: đó là người Ba Lan họ có cả thảy tám vạn quân, họ chiến đấu như sư tử. Quân số của họ sẽ lên tới hai mươi vạn.

Và hình như càng thêm tức giận vì trong khi nói như vậy ông ta đã nói dối một cách lộ liễu và vì thấy Balasov vẫn đứng im lặng trước mặt ông với cái dáng điệu phục tùng số mệnh như cũ, Napoléon quay mặt phắt lại, đến gần sát mặt Balasov và hoa nhanh hai bàn tay trắng trẻo làm những cử chỉ mạnh mẽ và nói gàn như quát lên.

– Xin các ông biết cho rằng nếu các ông xúi nước Phổ chống lại tôi thì tôi sẽ xoá nó khỏi bàn đồ châu Âu, – Napoléon nói mặt tái nhợt và biến dạng đi vì tức giận, vừa nói vừa giơ một bàn tay nhỏ nhắn đánh mạnh vào lòng bàn tay kia. – Phải, tôi sẽ dồn các ông về bên kia sông Dvina, sông Dniepr, và để chống lại các ông, tôi sẽ lập lại bức rào mà châu Âu mù quáng đã để cho người ta phá huỷ đi. Phải, số phận của các ông sẽ như thế đấy. – nói đoạn ông ta bước mấy bước trong gian phòng, hai vai béo đẫy rung rung. Ông ta im lặng một lát, đưa mắt ngạo nghễ nhìn thẳng vào mặt Balasov và nói khe khẽ – Thế mà lẽ ra ông chủ của ông có thể có được một triều vua tốt đẹp biết nhường nào!

Balasov cảm thấy phải bác lại và nói rằng về phía trước Nga sự tình không đến nỗi bi đát như vậy. Napoléon lặng thinh, tiếp tục nhìn Balasov một cách ngạo nghễ và hẳn là chẳng nghe ông ta nói gì Balasov nói rằng ở Nga, người ta chờ đợi chiến tranh đưa lại những kết quả tốt đẹp.

Napoléon gật đầu ra dáng bao dung, như muốn nói: “Tôi biết rằng ông không có nhiệm vụ phải nói như vậy, nhưng chính bản thân ông cũng không tin điều đó; ông đã bị tôi thuyết phục rồi”.

Khi Balasov đã nói xong, Napoléon lại rút hộp thuốc lá đưa lên mũi hít và giẫm chân xuống sàn hai lần để ra tín hiệu.

Cánh cửa mở ra, một viên thị thần kính cẩn khom lưng đưa mũ và găng cho hoàng đế, một viên thị thần khác đưa cho ông ta, một chiếc khăn tay. Không nhìn thấy họ, Napoléon cầm lấy mũ và quay về phía Balasov nói:

– Xin ông thưa lại để hoàng đế Alekxandr tin chắc rằng tôi vẫn tận tâm với hoàng đế như cũ; tôi biết hoàng đế rất rõ và đánh giá rất cao đức tính tốt đẹp của hoàng đế. Thôi xin chào tướng quân, tướng quân sẽ nhận được bức thư của tôi gửi hoàng đế.

Và Napoléon bước nhanh ra cửa. Mọi người đều rời phòng tiếp tân chạy ùa xuống thang gác.

Chú thích:(1) Một thứ rượu cồn nhẹ có pha nước hoa, dùng để rửa (eau – de cologne nghĩa là đen là “nước thành Colonhơ” – tức Koln: một thành phố Đức)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *