Thứ 3, 11/09/2024 - 06:53

Chớ lấy cớ thơ mà viết những chữ thùng thình như áo rộng, rộng hơn đời.
Chỗ này sâu ư ? – Không chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư ? – Không, chính nhờ nước cạn nên ta nhìn thấy đáy.
Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy.

Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ
Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ
Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể

Thơ dở không dịch được
Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.
Đừng làm những bài thơ “lớn”, suông mà không ai thèm đọc
Vì không lo cho việc nhỏ của đời.
Những tiếng gió quá dài nên nhân loại bỏ ngoài tai!

Bài thơ là con của trận đánh, của các vụ mùa, của các giọt mồ hôi.
Thơ đâu chỉ là con của trang giấy hồng hay
trang giấy trắng

Nếu loài vượn biết sau này sẽ đẻ ra ta
Thì triệu năm xưa hái quả rừng già
Chúng đã luyện bàn tay vít những cành vượt mắt.
Ta hãy rèn khối óc
Để xúc tiến việc xuất hiện hàng loạt những nhân tài cho
nghìn vạn năm sau.

Đừng làm nhà thơ đi tìm kiếm sao Kim,
Thứ vàng ấy, loài người chưa biết đến
Đi tìm quỹ đạo các trời xa, hay lắm!
Nhưng cần giải phóng ta ra khỏi quỹ đạo những
xích sắt xe tăng và những trận càn.

Chớ thêm nhiều lời ở nơi người ta chỉ cần ít chữ
Người ta hỏi đường, sao anh “tả cảnh tả cảnh” làm chi ?

Đời một thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa,
Nhan sắc của một viên ngọc ư ? Có khi là nhiệm vụ nó đấy rồi.
Giữa đời và anh chớ lấy tác phẩm cổ kim ra che mắt
Những cái bể văn chương án ngữ phía bên này không
cho thấy phía bên kia.

Thơ chỉ cho người thấy rằng đôi cánh của mình
Chính là đôi cánh tay nghìn năm chậm chạp.
Rằng đôi tay người thực ra là đôi cánh để bay.

Dù cho là Phật
Thì trước khi ngồi lên toà sen hư ảo
Câu thơ cũng phải xuất gia đi ra bốn cửa ô có thực của đời.

Vay ngoài đời và trả trên trang giấy
Cái vốn đời cho và cái lãi phải làm ra
Mà lãi ư ? Đâu chỉ là phù phép văn chương nước bọt ngôn từ

Xưa tôi hát và bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.
Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại.
Khúc hát hay, đâu có lắm lời.

Người gieo là anh và người gặt cũng là anh,
Chỉ gieo những cơn gió và gặt về mùa đào sao được ?
Anh muốn gặt trang phì nhiêu sao anh lại cầm thóc lép để mà gieo ?
Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức
Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc
Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời

Khi tất cả mọi người đọc anh đã bỏ ra đi
Còn một độc giả yêu anh và ở lại,
Anh có gì cho người kiên nhẫn ấy ?
Có còn chăng một vì sao dành lại giữa đêm khuya
Người ấy tìm ra ngôi sao mà anh hằng ngắm đấy
Chính ngôi sao kia sẽ gọi trăm người đọc lại quay về
Nếu cho người đọc kiên nhẫn ấy, ngôi sao kia anh cũng không có nốt
Thì anh chớ than phiền khi trăm người đọc khép sách bỏ anh đi.

Vị trí mỗi ngày, định tự bình minh
Đừng để sự việc mỗi ngày, con bóng mỗi ngày lôi anh đi vụn vặt
Chớ cắt anh ra thành hàng xén vụn vằn.

Đừng, đừng bóp cây đa thành củ thuỷ tiên,
Cô đúc bản trường ca thành bài tứ tuyệt

Ngày thường anh tập cử tạ nghìn cân
Để lúc thí võ nghìn cân, anh xách Thái Sơn nhẹ tựa
chiếc lông hồng
Bài thơ sáng viết ở Việt Nam, chiều đọc ở Mạc-tư-khoa,
Sáng hôm sau đốt cháy lên những cuộc biểu tình ở Pari, Nửu Ước…

Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở
kinh tuyến khác.
Trong dân tộc và ngoài dân tộc
Anh phải bơi trong nước ngọt sông mình lại phải ra
           thử thách mình giữa bể mặn trùng khơi.

Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm
Như những cây quả thẳng chim không về.

Anh chỉ là một giọt nước thôi như các giọt
Chỉ vì ở trong bể thôi, nên anh đã mặn như đời.

Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.

Những khối lửa cháy đỏ rực trên vòm trời kia
Từ đó triệu năm sau sẽ hiện lên cây xanh và suối ngọt.
Cái chuyển vần từ ý đến thành thơ
Chớ ngại thơ phải đi qua con đường cằn khô sa mạc,
Những suối thơ không chảy sẵn bên nhà.
Bốn nghìn năm chưa phải là ta đã cày sâu vào trang giấy lắm đâu
Gié lúa nhiều thế kỉ cầm lên còn lép hạt
Đảng bảo ta thay giống lúa xưa và thay cả những luống cày.

Em nhắn về: sao anh chẳng làm thơ ?
Anh đang bận,
Bận gì ? Bận làm thi sĩ.
Bận dời lòng anh đến những trời sao, ra cạnh bể,
Nơi những ngã tư đời, nơi những ngã ba.

Em không yêu những bài thơ anh trọng đại thích cân đời như cân đá.
Không bao giờ nói được sức nặng mùi hương trên lá.
Nhưng ai cần anh viết một vần trăng, viết mấy vần trăng,
Mà không bao giờ dẹp trang thơ sang bên để đón một đêm rằm
Nếu như vậy, thà anh cứ làm thơ cho em về đá
Tối thiểu người ta có thể dùng thơ anh để mà cử tạ,
Chứ người ta biết làm gì với những suông trăng với những suông rằm ?

Lấy tinh binh thắng đa binh
Lấy hạt muối có khối có hình, thắng mặt bể to,
               không kết tụ kết tinh.
Phi mình đi trong sóng
Nhưng cũng đừng tham hạt muối con mà vứt bể
Vứt cả cái sóng gió xôn xao rất đỗi bể trời
Câu thơ nằm ở giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời
Giữa hai mặt độc lập và thống nhất kia, chếnh choáng
                 câu thơ nằm ở giữa.
Con gà không đối thủ
Để giương oai diễu võ
Tự đá mình trong gương
Thảm thương nhà thơ ấy
Bản ngã vờn bản ngã
Lấy mình làm văn chương
Tự đá mình trên giấy!

Dù anh không làm xiếc
Cũng phải căng thẳng dây tâm hồn anh lên mà đi qua
trên vực ngôn từ
Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua vực
tâm hồn sâu thẳm.
Cho mỗi bước, mỗi bước của anh đều thận trọng
Không bao giờ anh ở độ chùng dây.

Chớ đau những cái đau vụn vằn, không đủ kích tấc
              cho người anh hùng đau khổ.
Cái đau tẩm mẩn như hạt kê con, mà những con
              chim đại ngàn chẳng muốn ăn cho.

Nghe cha ông và nghe con cái nữa
Truyền thống là giống Lý – Trần và giống nhiều
những thế hệ mai sau.
Giống những năm tháng sẽ khai hoang, những chân trời sẽ vỡ.
Chớ chỉ tìm dân tộc phía đằng sau.

Ta nối liền ta trong bể dọc thời gian, câu thơ thế kỉ
       hai mươi liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh phụ…
Nhưng dân tộc cũng là ta cùng nhịp đập với tim ta
trong bể ngang không gian trước đã
Cách làm thơ năm 72 giống với cách trồng rau năm 72, đánh Mỹ năm 72
Dân tộc chung một phong cách năm 72 khi yêu và khi tìm từ ngữ
Anh không thể yêu bộ răng đen “dân tộc” của mình, vì nó rất… ngoại lai.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *