Thứ 7, 14/09/2024 - 11:03

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn.

Sau đó không bao lâu, người vợ trẻ tự nhiên bị chết mang đi một cách đột ngột. Không ai có thẻ tả được hết tình cảnh đau thương của người chồng. Anh chàng đã mấy lần toan tự tử, nhưng bị người nhà ngăn trở và canh phòng ráo riết. Hôm sắp sửa cất đám bỗng có một đạo sĩ đến bày cho chàng phép cải tử hoàn sinh mà theo lời ông ta, đã từng có nhiều người dùng rất ứng nghiệm. Phép của ông ta chẳng có gì khó, chỉ cần người sống gan dạ và kiên trì một chút là được. Nghĩa là người sống mỗi ngày ba lần ôm ấp và truyền hơi ấm của mình vào cho tử thi. Làm luôn như thế không nghỉ ngày nào thì chỉ trong khoảng ba tháng mười ngày là người chết sẽ sống lại.

Người chồng cảm ơn đạo sĩ và làm đúng như lời dặn, hi vọng đưa người yêu trở lại cõi thế. Ngày ngày chàng ôm ấp vợ, truyền sức nóng, hơi thở của mình vào cái xác đã lạnh toát.

Nhưng sau đó ba ngày, mùi thối của tử thi bay ra khắp xóm làm cho mọi người không chịu được. Họ kéo nhau đến nhà bắt chàng phải chôn lập tức.

Bất đắc dĩ, người chông nhờ xóm giềng chặt nứa làm giúp một cái bè để mình đưa xác vợ đi một nơi khác. Nhiều người vui lòng giúp anh chàng trong việc này. Chỉ trong nửa ngày, hắn đã chở xác người yêu đi biệt.

Chiếc bè theo dòng nước trôi mãi. Người chồng vẫn ngày ngày ấp ủ vợ không thôi. Cái tử thi đó trông vẫn như người nằm ngủ. Lòng anh chàng tràn trề hy vọng. Đến một nơi kia, hắn cắm bè lại kề một bãi cỏ rộng, lên bộ nấu ăn.

Tình cờ trong khi đi nhặt củi chàng ta gặp một cụ già. Nhìn thấy ông cụ chống gậy đi một mình giữa cảnh trời nước hoang vu, lại râu tóc trắng xóa, hình dung không có gì là lam lũ, chàng trẻ tuổi lấy làm ngạc nhiên. Hắn đang suy nghĩ thì thoáng  cái ông cụ đã đứng trước mặt. Hiểu ngay đó là bậc Tiên Phật, hắn vội phục xuống chân cụ già rồi kể lể sự tình, cuối cùng không quên cầu khẩn ông cụ sinh phúc giúp cho vợ mình sống lại. Cụ già đó chính là đức Phật, thấy anh chàng nài nỉ hết sức, bèn thương tình, đi theo xuống bè, bảo hắn chích máu ngón tay nhỏ ba giọt vào miệng vợ. Tự nhiên người đàn bà mấp máy môi rồi từ từ ngồi dậy như vừa tỉnh một giấc mơ. Trước khi ra về đức Phật có hỏi người vợ:

– Anh chàng này cho vay ba giọt máu để ngươi được hồi sinh. Vậy nhà người có yêu anh ta chăng?

Trước câu thề thốt chắc nịch của người đàn bà, đức Phật bảo:

– Không can gì. Nếu không yêu nữa thì chỉ việc trả lại ba giọt máu cho anh ta là đủ!

*

Thấy bọn họ nóng lòng muốn trở về quê hương, đức Phật gọi một con cá sấu khổng lồ từ vực sâu lên bảo chở họ đi.

Cá sấu vượt sông được nửa ngày đường thì bụng đã đói. Nó bảo hai vợ chồng lên bộ nghỉ ngơi để cho nó đi tìm cái ăn. Hai vợ chồng dắt nhau vào quán cơm. Trong quán hôm đó có một người khách thương sang trọng. Hắn ta thấy nhan sắc người vợ diễm lệ ít ai sánh kịp thì bỗng nảy tà dâm, mưu toan chiếm đoạt. Hắn lân la lại gần, đưa các mẫu hàng tơ lụa và đồ trang sức ra vờ chào khách, kỳ thực là để tán tỉnh người đàn bà đẹp. Hắn nói trong thuyền hắn đậu ở gần đấy còn có nhiều món hàng nữa rất quý và rẻ, muốn mời họ xuống xem.

Nhưng người chồng thì chẳng thiết một tý nào. Cơm nước xong, bỏ mặc người khách thương, dắt vợ ra bến vắng, ở chỗ hẹn với cá sấu, ngồi đợi. Họ ngồi dưới bóng cây trò chuyện một chốc rồi vì mệt quá, ngủ quên lúc nào không biết. Họ cũng chẳng ngờ sau lưng họ, người khách thương kia vẫn theo hút không rời. Khi thấy hai người nằm ngủ, hắn đi nhẹ đến thức riêng người vợ dậy, mời nàng xuống thuyền đậu kề đó để hắn biếu một món trang sức; – “Thuyền của tôi chỉ cách đây mươi bước. Bà không phải đợi lâu đâu!”. Nghe nói thế, lòng người đàn bà bỗng thấy lay chuyển. Nàng đứng lên, đi theo người khách thương xuống thuyền. Chỉ trong nháy mắt, theo ám hiệu của chủ, bọn thủy thủ chiếc thuyền buôn nhổ neo và giong buồm cho thuyền chạy mất.

Lại nói chuyện cá sấu lúc ngoi lên chỗ hẹn thì thấy chỉ có một mình người chồng, bấy giờ vẫn đang ngủ say. Cá sấu thức chàng dậy hỏi chuyện. Anh ta ngơ ngác không hiểu thế nào. Một mất mười ngờ, hắn đổ tội cho cá sấu đã ăn thịt mất vợ. Để giải mối ngờ, cá sấu mới bảo hắn kiếm cây luồn qua miệng mình, khua trong dạ dày xem thử cho biết. Anh chàng làm theo, chỉ thấy trong bụng cá sấu toàn là xương cá và đá cuội, mới biết mình ngờ sai. Tìm khắp mọi nơi chẳng thấy vợ, hắn trở về bến, ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Cá sấu thương tình bèn bảo hắn cưỡi lên lưng rồi phóng đi, đuổi theo những chiếc thuyền vừa qua lại để dò tìm tung tích. Sau mấy lần dò hỏi, người ta cho biết một chiếc thuyền buôn vừa đi qua, trong đó có một người đàn bà trẻ và đẹp. Họ tả nét mặt và hình dạng thì đúng là vợ chàng. Cá sấu bèn cố công đuổi riết.

Khi nhìn thấy vợ ngồi trong thuyền khách thương, người chồng nói với vào:

– Nàng cứ nhảy ra đây… Tôi không thể sống xa nàng được… Tôi sẽ làm cho nàng sung sướng…

Nhưng người vợ trả lời chồng:

– Chàng về đi! Em đành phụ chàng. Chàng tha thứ cho em vậy.

Rồi đưa cho chồng một gói vàng:

– Chàng hãy nhận lấy vật này và coi như em đã chết từ hôm nào rồi.

Vừa bực tức vừa thất vọng, chồng ném gói vàng xuống nước rồi nhờ cá sấu đưa mình trở lại tìm đức Phật. Khi đức Phật gặp bọn họ, liền giục cá sấu hối hả rượt theo chiếc thuyền khách thương để cho anh chàng thất tình đòi lại ba giọt máu của mình.

Lại nói chuyện người đàn bà sau khi chích máu ở tay để lấy ra ba giọt trả nợ cho chồng thì ngã vật xuống chết ngay. Người khách thương hết sức chữa chạy nhưng vô hiệu. Rồi sau đó hắn ném xác nàng xuống biển. Nhưng do phép màu của đức Phật, người đàn bà ấy hóa thành con muỗi. Vì thiếu máu, nên lúc nào muỗi cũng lén lút đi chích trộm của mỗi người một tý để sống[1].

KHẢO DỊ

Việt-nam còn có truyện Lương Nhân có lẽ cũng từ truyện Sự tích con muỗi phát triển ra.

Lương Nhân quê ở Vĩnh-yên, lấy vợ là Thị Xuân. Vợ chết, Lương Nhân quá thương cõng xác vợ theo mình không rời. Phật thương tình hiện lên phun ba ngụm nước cho Thị Xuân sống lại. Một hôm vợ chồng có việc đi xa, ngủ nhờ ở thuyền. Trong lúc Lương Nhân ngủ say thì vợ bỏ chồng theo ông chủ thuyền. Lương Nhân gặp lại đức Phật. Phật bảo đến đòi ba ngụm nước. Thị Xuân phun xong lăn ra chết.

Sau đó Lương Nhân gặp Hán Chân. Hai người lấy nhau, kiếm ăn rất chật vật. Một hôm Lương Nhân đi vắng, một người khách lạ thấy Hán Chân có sắc đẹp liền ve vãn nhưng bị nàng cự tuyệt. Để mua chuộc, người khách xin hai miếng trầu và đưa cho nàng hai trăm lạng bạc. Hán Chân nhận và khi chồng về kể lại sự thật. Lương Nhân ngờ vợ và định giết vợ. Vợ trốn đi, cải trang làm con trai vào học ở một ngôi chùa tại Sơn-tây. Đã đẹp lại học giỏi nên sư nữ Thị Vân đâm mê Hán Chân, hẹn hò làm vợ chồng.

Được mấy năm Hán Chân đội tên Lương Chân đi thi đỗ trạng, được vua gả công chúa. Hán Chân xin phép về quê mở hội làm chay. Lương Nhân bấy giờ làm nghề nông, nghe có hội, đem rau đến bán. Vợ chồng gặp nhau. Phật hóa phép cho Lương Nhân thành một chàng trai đẹp đẽ thông thái. Hán Chân đưa chồng về triều tâu rõ sự thật. Vua gả công chúa cho Lương Nhân làm vợ hai. Thị Vân cũng được đón về làm vợ ba[2].

Truyện Sự tích con muỗi tương tự với một số truyện cổ tích phương Tây. Trước hết là cổ tích Đức do Grim (Grimm) sưu tập:

Xưa có một người lính can đảm lấy vợ là một nàng công chúa. Ngày mới lấy nhau, hai bên cùng hẹn sống chết có nhau. Nếu vợ chết trước chồng thì chồng sẽ tự chôn sống với người yêu. Ngược lại, nếu chồng chết trước vợ thì vợ cũng sẽ làm như vậy.

Ít lâu sau người vợ mang bệnh qua đời. Người chồng quyết chết theo vợ, chàng tự chui vào huyệt nằm bên cạnh cái xác. Trong lúc đợi chết, chàng bỗng thấy một con rắn bò đến gần vợ, bèn ngồi dậy giết chết con vật. Sau đó, một con rắn khác đến tìm, thấy đồng đội đã chết, liền trở về mang ba cái lá cây đến làm cho sống lại. Người đàn ông bèn nhặt lấy ba lá và bắt chước phương pháp cứu chữa của con rắn làm cho vợ mình cũng sống. Đoạn, chàng đưa vợ về nhà, giao ba cái lá cây quý báu kia cho một người đầy tớ tin cậy giữ.

Từ khi sống lại, người vợ trẻ tự nhiên thay đổi tình cảm đối với chồng. Nàng không yêu chồng nữa. Một lần vợ chồng đi tàu trên biển, người vợ phải lòng viên cai tàu. Giữa lúc chồng đang ngủ say, nàng cùng viên cai tàu nâng bổng người chồng vứt xuống biển. Nhờ được người đầy tớ trung thành vớt lên và dùng ba lá cây cứu sống lại, người đàn ông mới thấy lòng dạ bạc bẽo và gian ác của vợ. Cuối cùng hắn đã trị tội vợ đến chết.

Trong kho cổ tích của người Ý (Italia) cũng có hai truyện nói đến việc người chồng làm cho cô vợ trẻ của mình sống lại, Ở truyện thứ nhất, người chồng ban đêm ngồi gác tại một ngôi đền, trong đó có quan tài của vợ. Bỗng dưng thấy một con rắn bò đến cạnh quan tài, bèn giết đi. Nhưng con rắn lại sống lại, nhờ có một con rắn khác đưa đến một thứ cỏ “cải tử hoàn sinh”. Anh ta bèn dùng cỏ ấy cứu sống vợ. Ở truyện thứ hai, người chồng giết chết một con thằn lằn đến gần quan tài của vợ nhưng con vật đã được mẹ nó cứu sống nhờ có một thứ hoa hồng. Anh bèn cứu vợ bằng hoa hồng ấy.

Một truyện cổ tích Pháp cũng có nội dung gần giống những truyện đã kể:

Một chàng trai trẻ tuổi tên là Hoa Hồng lấy vợ nhưng không may hai tháng sau khi cưới, vợ chàng bị bạo bệnh rồi qua đời. Thương nhớ vợ hết sức, anh chàng cứ chiều chiều đến khóc ở mộ vợ. Một hôm, theo lệ thường anh bước vào nghĩa địa, bỗng có con ma hiện ra trao cho một cái hộp bằng bạc trong có một đóa hoa hồng. Ma bảo anh muốn cho vợ sống lại thì cứ nạy quan tài ra rồi ghé đóa hoa vào mũi vợ ba lần. Anh làm theoo lời, vợ bèn sống lại.

Ít lâu sau, người chồng có việc phải đi Paris gặp người em ruột. Lúc đến nơi thấy em đau nặng, anh bận chữa chạy cho em, quên cả việt viết thư cho vợ như đã hứa. Vợ lấy làm lạ, chắc chồng đã chết. Cũng lúc đó, có một viên quan ba ở đội quân “đầu rồng” làm một bức thư giả báo tin là người chồng đã chết. Rồi hắn âm mưu lấy được người đàn bà kia làm vợ.

Qua một thời gian, bệnh tình của em có phần đỡ. Hoa Hồng bèn trở về thì vợ đã bỏ nhà đi lấy chồng. Anh rất buồn, bỏ ra tỉnh đầu quân. Anh không ngờ mình trở thành một người lính đầu rồng và càng không ngờ trở thành thư ký riêng cho viên quan đã đoạt vợ mình. Khi gặp mặt vợ cũ, anh biết vợ không yêu mình nữa.

Một hôm Hoa Hồng được viên quan mời ăn tiệc và trong lúc ăn người ta lén bỏ và túi anh một bộ thìa nĩa bằng bạc. Tiếp đấy, anh bị người ta lục soát và kết án xử tử vì tội ăn trộm. Trong ngục, anh chàng đút lót tiền cho một người lính già, đưa cho hắn cái hộp bạc của con ma ngày trước, dặn hắn phương pháp làm cho mình được sống lại sau khi bị bắn. Sau khi anh chết, người lính già tiêu hết tiền rồi mới nghĩ đến việc cứu anh, nhưng anh vẫn sống lại khi đóa hoa đặt vào mũi.

Bấy giờ ở một tòa lâu đài gần bên có một nàng công chúa đêm đêm biến thành quái vật giết chết những người lính gác. Hoa Hồng đến cứu nàng thoát khỏi phép độc của mụ phù thủy. Anh lấy nàng làm vợ và sau đó được thừa kế ngai vàng.

Ông vua mới đi khắp nước để duyệt đội ngũ. Duyệt đến đội lính “đầu rồng” cũ, vua bảo họ còn thiếu một người. Khi người ta dẫn người lính già, ân nhân của mình đến, vua tháo lon của viên quan ba, người đã đoạt vợ mình ngày trước, gắn cho người lính già. Đoạn vua bắt viên quan ba cùng với vợ hắn lên giàn hỏa[3].

Người Ả-rập (Arabes) có truyện Sự gian dối của đàn bà:

Một người Ít-xra-en (Issrael) có người vợ đẹp, hắn yêu hết sức. Bỗng nhiên vợ chết, hắn đến ở bên mộ không rời. Chúa Jê-su thấy hắn khóc lóc luôn cạnh bèn hỏi chuyện. Khi nghe hắn kể nỗi lòng, Chúa bảo: “Có muốn làm cho nàng sống lại không?”. Thấy hắn nói không muốn gì hơn thế, Chúa bèn làm cho một người da đen sống lại. Hắn vội nói: – “Ô không phải, vợ tôi ở mộ kia”. Chúa lại làm cho người da đen chết mà hà hơi cho vợ hắn sống lại. Hắn mừng quá, sau đó bảo vợ: – “Tôi canh mộ mình bấy lâu quên ăn quên ngủ, bây giờ mệt quá cho nghỉ một tý”. Rồi hắn gối đầu lên chân vợ chuyện trò, dần dần ngủ quên. Trong khi đó, một hoàng tử xinh trai cưỡi ngựa đi qua, người đàn bà đặt đầu chồng xuống đất, đi theo. Hoàng tử cho ngồi sau lưng.

Chồng tỉnh dậy không thấy vợ bèn theo dấu, đuổi kịp gót ngựa. “Đây là vợ tôi, hắn nói, xin ngài làm ơn bỏ lại cho!”. Vợ hắn nói: – “Tôi thuộc về nhà vua rồi”. Hoàng tử dừng ngựa, nói: “Anh ghen với vợ ta ư?” – “Không. Đây là vợ tôi. Chúa vừa mới giúp tôi làm cho nàng sống lại”. Bỗng Chúa Jê-su hiện ra, hắn reo lên: – “Có phải Chúa vừa làm sống lại người này cho tôi không?”. Vợ hắn lấp liếm: – “Láo, ta là vợ hoàng tử”. Chúa hỏi: – “Có phải ngươi là kẻ do ý Chúa mới được sống lại không?” – “Vâng, nhờ hơi thở của Chúa” – “Vậy thì trả lại cho ta cái mà ta cho”. Người đàn bà thở ra và chết ngay. Chúa phán: – “Nếu ai muốn thấy một người lần trước chết bất nghĩa, được cứu sống và lần sau chết có nghĩa thì nhìn người da đen kia; còn muốn thấy người lần trước chết có nghĩa, được cứu sống và lần này chết bất nghĩa thì nhìn người đàn bà này”. Người chồng thề sẽ không lấy vợ nữa, sau đó ở lại sa mạc tu hành cho đến chết[4].

Trong Liêu trai chí dị có truyện Ông hiếu liêm họ Vũ phần nào giống với Sự tích con muỗi. Ở đây kẻ bạc tình lại là người đàn ông. Hắn đi kinh đô tìm công danh, bị bệnh thổ huyết, lại bị đầy tớ lừa đảo, sắp chết dọc đường. Nhờ có một người đàn bà – vốn là một hồ ly chung tình – cho một viên thuốc thần khỏi bệnh và từ đó trở nên giàu có, danh giá. Hai người thành vợ chồng. Nhưng sau hắn chê vợ già, đi lấy một người đàn bà họ Vương làm thiếp. Lâu rồi vợ cũng biết tin, bèn tìm đến, kết chị em thân mật với họ Vương. Thấy chồng bạc bẽo lại mưu toan giết mình, vợ đòi lại chồng viên thuốc. Hắn nôn ra xong, thì bệnh cũ dần tái phát rồi chết.

Người Khơ-me (Khmer) cũng có truyện Sự tích con muỗi nhưng nội dung khác hẳn:

Ngày xưa loài muỗi được thần Xi-va sáng tạo, mình như mình chim, mõm như mõm chó. Chúng bay hàng đàn, chuyên ăn thịt người làm cho người chết mòn chết mỏi. Một hôm có nàng tiên mách cho loài người đốt lửa xung quanh chỗ ở để ngăn không cho muỗi đến. Không làm gì được người, muỗi bèn nhờ thần Xi-va làm cho mình trở nên thật bé để tiện lén lút ăn thịt. Nhưng cũng không làm gì được người vì hễ thấy ở đâu bị cắn đau là người đánh ngay vào đấy. Muỗi lại đi kêu nài thần Xi-va lần nữa. Thần cho mỗi con một cái vòi thay cho mõm để hút máu vừa lanh lẹ vừa không ai biết. Từ đó mà có giống muỗi ngày nay[5].


[1]. Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2]. Theo lời kể của đồng bào Bắc-bộ.

[3]. Theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren, tập I.

[4]. Theo Bát-xê (Basset). Ngàn lẻ một cổ tích, truyện kể và truyền thuyết Ả-rập, quyển II.

[5] Theo Truyện dân gian Căm-pu-chia.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *