Trang thơ Việt Nam
Trang thơ Việt Nam
Trong thời phong kiến (trước thế kỷ thứ 20) ở Việt Nam các văn bản đều viết bằng chữ Nho (chữ Hán) hoặc chữ Nôm (một biến thể của chữ Nho để ghi âm tiếng Việt nhưng còn khó viết hơn), vì thế các nhà thơ phải là những trí thức có kiến thức cao về văn hoá và ngôn ngữ. Họ là những nhà nho đó đồng thời cũng là quan lại triều đình. Và Thơ được giao nhiệm vụ trọng đại là “ ngôn chí ”, “ tải đạo ” (đạo đây là đạo Khổng, ý thức hệ chính thống của chế độ).
Dưới thời kỳ thực dân Pháp thống trị (1884-1945), các nhà thơ cũng chủ yếu sinh ra từ lớp tinh hoa, chỉ khác là giờ đây họ là những người Tây học và viết bằng chữ quốc ngữ theo mẫu chữ latin. Việc phát tán các bài thơ giờ đây tiến hành qua báo chí, cũng vì thế thơ ca phổ biến mạnh mẽ hơn ở thành thị, đó chính là con lộ thênh thang cho việc đòi quyền sống cá nhân của lớp thanh niên tân thời. Trong khi ấy, các nhà hoạt động cách mạng lại có ý thức dùng thơ ca để vận động quần chúng. Cung cách này đã được nhà lãnh đạo Cộng sản trước 1945 bút danh Sóng Hồng nói rõ trong bài thơ Là Thi Sĩ : “ dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ ”.
Trong thời gian hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1975), nhờ tỷ lệ dân chúng biết chữ khá cao, thơ đã trở thành một hoạt động mang tính quần chúng và Việt Nam đã từng được coi như “ Đất nước Thơ Ca ”. Nhận rõ tác động xã hội to lớn của Thơ, nhà lãnh đạo Cộng sản đã khai thác các đặc điểm của Thơ ‒ chủ yếu là tốc độ phổ biến nhanh và khả năng nói lên những chân lý cao xa một cách đơn giản ‒ biến Thơ thành “ vũ khí ” huy động quần chúng tham gia kháng chiến. “ Nay ở trong Thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong ”, cụ Hồ Chí Minh đã viết như thế trong tập Nhật ký trong tù nổi tiếng (1941-1942).
Kể từ khi có công cuộc “ đổi mới ” cuối những năm 1980, thơ ca bắt đầu tách dần khỏi chính trị và các nhà thơ tập chú hơn vào các giá trị thẩm mỹ của thơ. Thực ra thì ngày càng ít người đọc thơ do có sự suy thoái chung của văn hoá đọc, thế nhưng các nhà thơ thì vẫn có mặt khắp nơi, và việc giao lưu ý tưởng và tình cảm qua thơ vẫn là niềm vui thích của mọi người. Ta bắt gặp Thơ trên báo chí, trên làn sóng phát thanh, trên màn ảnh nhỏ truyền hình, và qua hàng trăm cuốn sách thơ in ra mỗi năm. Rất gần đây thôi, một “ Ngày Thơ Việt Nam ” đã ra đời, tổ chức vào ngày Nguyên Tiêu, giúp cho mọi người có cơ hội tôn vinh Thơ vào một Ngày riêng hẳn cho Thơ.
Vậy là Thơ vẫn có tầm quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, và nhà nước tuy có cởi mở hơn với Thơ nhưng vẫn rất cảnh giác với các thứ Thơ “ phản động, đồi truỵ ” về nội dung và khó hiểu về hình thức.
Thơ của các tác giả