Trong thành có ma trơi
Ngày xưa có một người trước kia biết rất nhiều truyện cổ tích, nhưng về sau ông ta bảo với mọi người rằng ông đã quên hết cả rồi, vì Truyện, xưa kia hay đến thăm ông, nay chẳng thấy đến gõ cửa nhà ông nữa.
Chẳng ai biết tại sao thế nhỉ?
Trước hết, vì đã lâu ngày ông bạn của chúng ta chẳng còn nghĩ đến truyện nữa, nhưng về phía Truyện, Truyện chẳng quay trở lại cái xứ sở bị chiến tranh tàn phá rồi lâm vào cảnh nghèo nàn, tang tóc, bạn đồng hành mà nạn binh lửa thường kéo theo sau.
Cò vạc và chim én từ những xứ ấm bay trở về. Chúng chẳng ngờ là tai hoạ đã xảy đến, nhưng khi về đến nơi, chúng thấy tổ ấm đã bị phá huỷ, nhà cửa đã cháy trụi, đồng cỏ tan hoang, ngựa quân thù đã giày xéo lên những ngôi mộ cổ. Tuy nhiên, thời kỳ gian khổ và ảm đạm cũng đã qua, qua hẳn rồi mà Truyện cũng chẳng quay về gõ cửa nhà con người hay kể chuyện.
Hay là Truyện cũng đã tử vong rồi?
Ông bạn của chúng ta nghĩ vậy.
Nhưng Truyện chẳng bao giờ chết.
Đã trọn một năm ông vẫn mong chờ gặp lại Truyện.
– Ước gì Truyện lại đến gõ cửa nhà ta nhỉ?
Rồi ông nhớ lại tất cả những người mà Truyện đã từng đội lốt để đến tìm ông, lúc thì tươi trẻ như mùa xuân, lúc thì dưới hình dạng một thiếu nữ đội chiếc mũ miện bằng lá, cầm cành dẻ gai trên tay. Mắt nàng như nước hồ sâu thẳm trong rừng lấp lánh dưới ánh thái dương. Khi gánh hàng ra và rao bán những dải lụa dài có ghi những bài thơ và truyện cổ tích.
Tuy nhiên, trông đẹp hơn cả là lúc Truyện biến thành một bà lão có bộ tóc màu gio bạc, có đôi mắt to trầm lặng. Bà cụ say sưa kể lại truyện thời xưa, thời mà các nàng công chúa còn kéo sợi trên những cái guồng bằng vàng, bên cạnh những bầy rắn nằm cuộn tròn để chiêm ngưỡng các nàng. Bà cụ kể chuyện nghe đến là mê! Và thỉnh thoảng bà cụ lại kể những truyện hãi hùng đến nỗi người nghe tưởng như mặt đất tràn đầy những máu người. Phải, các truyện ấy, tuy ghê rợn, nhưng sao mà thú vị đến thế. Dù sao, những truyện ấy cũng đã xảy ra từ ngày xửa ngày xưa.
– Bà cụ chẳng quay trở lại gõ cửa nhà ta nữa hay sao? Ông bạn chúng ta nghĩ vậy.
Ông nhìn xuống những mảnh gỗ vụn màu đen rải rác trên sàn nhà. Ông tự hỏi chẳng biết đấy có phải là những vết máu hay là những cánh hoa tang của những ngày đau khổ.
Trong lúc ngồi trầm ngâm ông nghĩ có lẽ Truyện núp trong cọng rơm đang bị gió xoáy tròn trong góc kia chăng? Hay là Truyện núp vào một đóa hoa ép khô trong những pho sách lớn ở tủ sách của mình chăng?
Để được yên lòng, ông ta mở một cuốn sách mới nhất, nhưng trong cuốn ấy không có hoa. Sách nói về truyện Ôgiê xứ Đan Mạch và thuật lại rằng những truyện phiêu lưu của Ôgiê chỉ là do một thày tu người Pháp bịa ra và là một cuốn tiểu thuyết Pháp dịch ra tiếng Đan Mạch. Cái anh chàng Ôgiê xứ Đan Mạch ấy làm gì có thật, do đó, không bao giờ có thể hiện về như nhân dân Đan Mạch vẫn thường tưởng tượng, thậm chí cò người lại tưởng tượng mình là con người ấy. Truyện Ôgiê xứ Đan Mạch cũng giống như truyện Guyôm Ten thôi, chẳng qua chỉ là truyền thuyết cả. Sách dẫn giải điều đó một cách rất khoa học.
– Mặc! Cho dù thế nào cũng được, ông bạn chúng ta tự nhủ, chẳng có thể có đường mòn nếu không có người qua lại.
Ông gấp sách, để vào một chỗ cũ trên ngăn tủ và tới ngửi những đoá hoa tươi trên khung cửa sổ.
Có thể là truyện núp trong những đoá hoa huệ đỏ viền vàng hoặc trong đoá hồng xinh xắn, hoặc có khi trong đoá trà mi diễm lệ. Không phải! Ánh mặt trời lấp lánh giữa hoa, nhưng Truyện nào đâu thấy!
Ông bạn tiếp tục suy nghĩ. Trong những ngày đen tối, nơi đây đã có những đoá hoa còn đẹp hơn thế nữa, nhưng người ta đã ngắt hoa đi, tết thành vòng và đặt lên một chiếc linh cữu cũng có phủ một lá cờ. Có lẽ người ta đã chôn Truyện theo những đóa hoa ấy chăng? Nhưng nếu vậy, ắt là hoa, linh cữu và đất đều phải biết rõ, những ngọn cỏ mới mọc lên ắt cũng đã kể lại truyện ấy rồi. Có thể, trong những ngày đau khổ, Truyện đã đến gõ cửa nhà ta chăng? Nhưng lúc ấy thì ai còn tâm địa nào mà nghe kể truyện nữa. Mọi tấm lòng còn đang u uất, rã rời và hầu như khó chịu khi nghe thấy tiếng chim muống ríu rít hót và thấy cảnh vật còn trơ lại xanh tươi cùng với mùa xuân. Lúc ấy, chúng ta chẳng thể hát lên được những bài dân ca cổ điển, phải giấu giếm chúng cùng với những tâm tư thầm kín nhất. Phải, có lẽ lúc ấy Truyện đã đến gõ cửa nhà ta, nhưng ta đã không nghe thấy, không niềm nở đón chào nên Truyện đã bỏ đi mất. Ta muốn đi tìm Truyện, ta phải tìm thấy Truyện, dù Truyện ở nơi thôn dã, trong rừng rậm hoặc ngay cả trên những bãi cát bên bờ đại dương.
Tít trên kia, sừng sững một lâu đài cổ, tường vách màu đỏm khía lỗ châu mai, trên đỉnh tháp phấp phới một lá cờ. Gần đấy, một chú hoạ mi cất tiếng hót trong vòm lá cây dẻ trắng, chú nhìn vào hoa mận nở trong vườn, cứ tưởng là hoa hồng. Chính nơi đây, dưới ánh nắng hè, đàn ong làm việc không ngừng và hát vo ve, xúm xít chung quanh ong chúa. Chính nơi đây, vào dịp lễ Nôen, có tiếng kêu của đàn thiên nga và, bên trong toà lâu đài cổ kính, quanh bếp lò, người ta vui vẻ ngồi nghe ca hát và nghe kể chuyện cổ tích.
Người tìm Truyện đang rảo bước trên con đường rợp bóng cây dẻ gai, trong khoảng vườn cũ. Chính tại nơi ấy, một hôm gió đã kể chuyện Vađơma và các nàng con gái và thân mẫu của Truyện, biến hình thành một nữ mộc tinh, đã kể cho ông ta nghe truyện Giấc mơ cuối cùng của cây sồi.
Thời còn mồ mả bà nội ông, nơi ấy có nhiều lùm cây, nhưng giờ đây chỉ còn rặt một giống đuôi chồn và tầm ma leo lên trên những pho tượng cổ đổ vỡ. Mắt tượng phủ đầy rêu, nhưng cũng chẳng vì thế mà tượng nhìn kém tinh hơn trước. Người đi tìm truyện chẳng sung sướng bằng những pho tượng ấy, ông ta tìm mà chẳng thấy Truyện đâu cả. Vậy Truyện ở đâu?
Trên đầu ông, quạ khoang bay từng đàn và kêu: “Còn ở xa! Còn ở xa!”