Về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Danh mục Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Chúng tôi tạm kết thúc công việc dẫn dắt bạn đọc đi thăm kho tàng truyện cổ tích Việt-nam, một bộ phận quan trọng của những sáng tác tự sự truyền thống nói riêng và của nền văn hóa dân gian nói chung.
Tuy gọi là kho tàng, nhưng thật tình đây chưa phải là toàn tập truyện cổ tích Việt-nam – thực tế chưa ai dám tự cho mình là người nắm được tất cả – mà chỉ mới là một phần nào đó, phần tiêu biểu nhất, đã được chọn lọc và ổn định qua thời gian và nổi lên như một dòng chủ lưu trong đời sống truyện kể luôn luôn biến hóa sinh động của văn học dân gian dân tộc qua mười thế kỷ. Phần lớn những truyện tiêu biểu này đã được nhiều thế hệ nhà văn tiếp nhận và ghi lại trong sách vở. Dĩ nhiên đa số trong kho tàng sưu tập của chúng ta là những truyện lành mạnh, hay nói đúng hơn sự phát triển của cốt truyện, nhân vật, tình tiết… của chúng không quá đối nghịch với tâm lý, đạo đức con người cận hiện đại, vì để đến được với chúng ta, chúng đã phải lọc qua rất nhiều màng lọc những hệ quy chiếu đạo đức và thẩm mỹ của nhiều thời đại. Tuy nhiên, để bạn đọc nhìn nhận một cách đầy đủ toàn bộ diện mạo và cấu trúc truyện cổ tích Việt-nam, chúng tôi cũng không bỏ qua một số truyện mà sự sàng lọc nói trên vẫn chưa mài nhẵn hết những góc cạnh gồ ghề nguyên thủy; đó là những truyện cổ tích mà ta thường xem là có khiếm khuyết mặt này mặt khác, hoặc có kết cấu khác thường.
Nói chung, những hiện vật – truyện cổ tích – bày ở kho tàng này là do quần chúng nhân dân các đời sáng tạo, gọt giũa, hoàn chỉnh. Những truyện ấy có thể xuất hiện gần ta hơn, vào đầu thời kỳ cận đại, nhưng cũng có thứ chắc chắn đã ra đời và tồn tại từ hàng nghìn năm nay.
Nếu văn chương bao giờ cũng có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống vật chất, tinh thần của mỗi một thời kỳ lịch sử thì ”kho tàng” này sẽ là những nguồn tài liệu quý báu giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể con đường riêng biệt mà cộng đồng người Việt đã tự vạch cho mình, trên quá trình vật lộn gian nan để tồn tại và phát triền, giữa một thế giới có vô số tộc người, với muôn nghìn số phận khác nhau, kể từ khởi thủy cho đến sát trước thế kỷ XX. Vì thế, ngoài lĩnh vực phôn-clo (folklore) chúng còn góp phần vào việc nghiên cứu nhiều bình diện của quá khứ dân tộc, nhất là về dân tộc học và xã hội học lịch sử. Ngay trong lĩnh vực phôn-clo (folklore) thì đây cũng là một nguồn tư liệu vô giá, có khả năng làm sống lại diện mạo tổng hợp của một kiểu thức sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó nghệ thuật ứng tác, trần thuật được đan chéo, hỗn hợp với các hình thức biểu hiện của tín ngưỡng, tôn giáo, tâm lý, phong tục,… và chúng làm thành một hợp lực, chi phối hứng thú thẩm mỹ, sức sáng tạo của tư duy, để rồi cùng với tiến trình lâu dài của lịch sử dân tộc, sẽ hình thành nên bản sắc nghệ thuật truyện kể của loại hình truyện cổ tích Việt-nam. Xác định cho được bản sắc này là mục tiêu cao nhất của giới cổ tích học dân tộc trước nay.
Lẽ tự nhiên nói đến nghệ thuật truyện cổ tích là bàn tới một vấn đề không đơn giản. Vì việc tiếp cận nghệ thuật một loại hình sáng tác nào bao giờ cũng phải xuất phát từ ngôn bản, mà ngôn bản truyện cổ tích cũng như văn học tự sự dân gian nói chung, do tính chất truyền miệng của chúng lại không cố định như văn học thành văn. Có hai chiều hướng biến hóa cần tính tới khi khảo sát nghệ thuật của thể loại này:
1. Sự biến đổi lâu dài trong quá trình lịch sử, do môi trường sinh hoạt, quan hệ xã hội, và tín ngưỡng, phong tục, tập quán đổi thay. Những biến đổi về mặt này chắc chắn đã làm thay đổi diện mạo truyện cổ tích khá sâu sắc kể từ hình thức bề ngoài của các mô-típ, cho đến tình tiết, sự kiện và nhân vật của câu chuyện. Nhưng ngày nay muốn khôi phục lại diện mạo ban đầu để truy tìm xuất xứ của số lớn các truyện trong kho tàng truyện của chúng ta là điều không dễ, bởi chúng đã bị biến đổi không phải chỉ một lần. Nhiều “lớp áo” khác nhau đã khoác lên chúng ở nhiều thời đại khác nhau, và lâu dần đã trở thành những thành tố “nội tại”.
2. Sự biến đổi do phong cách của người kể chuyện và tập quán của từng vùng, kể cả do giao lưu văn học giữa nước này và nước khác. Những biến đổi theo chiều hướng thứ hai này tuy cũng không phải không sâu sắc nhưng thường ít khi ảnh hưởng đến cốt truyện và các mô-típ cơ bản, chỉ thêm bớt tình tiết hoặc thay đổi ngoại hình nhân vật trong từng truyện theo hướng dân tộc hóa và bản địa hóa mà thôi; và bằng phương pháp so sánh cũng giúp ta sớm nhận ra sự thêm bớt co giãn giữa vùng này và vùng kia, dân tộc này và dân tộc kia, người kể này và người kể kia.
Như vậy, tựu trung, có thể xác nhận tính ổn định tương đối của văn bản nghệ thuật truyện cổ tích ở từng thời kỳ khi xem xét hai thành tố cốt truyện và mô-típ của từng truyện cụ thể. Đó là những thành tố tạm gọi là bất biến. Trái lại, cũng có thể khảo sát sự vận động của văn bản nghệ thuật truyện cổ tích qua việc so sánh tình tiết và cách kết hợp mô-típ này với mô-típ nọ ở từng loại cốt truyện. Đó là những thành tố tạm gọi là khả biến. Đặc điểm nghệ thuật truyện cổ tích của từng dân tộc tùy thuộc chủ yếu vào cái bất biến, và cũng tùy thuộc cả ở cách kết hợp giữa cái bất biến và cái khả biến hoặc chuyển hóa từ cái khả biến thành cái bất biến – sự kết hợp và chuyển hóa này chính là chỉ số nói lên tính cách, tâm lý, nét đặc thù trong tình cảm, tư tưởng của mỗi một dân tộc.
Bằng cách khảo sát như đã nói, mặt khác không cô lập việc nghiên cứu nội dung xã hội truyện cổ tích với việc nghiên cứu hình thức biểu hiện của nội dung ấy – hai thành tố này bao giờ cũng là hai mặt của một thể thống nhất, nhất là đối với thể loại tự sự truyền miệng, hình thức không gắn với nội dung thì càng dễ biến động – chúng tôi mong muốn gợi lên dưới đây một vài điểm ít nhiều có thể đặc trưng cho bản sắc nghệ thuật truyện cổ tích Việt-nam, nhằm giúp bạn đọc đi sâu thêm vào thế giới tâm hồn người Việt cổ truyền, cả mặt đặc sắc và mặt khiếm khuyết, cả về quan niệm nhân sinh lẫn quan niệm thẩm mỹ, đồng thời qua đó cũng thử tìm những ảnh hưởng do sự giao lưu đưa lại, tức là xem xét cội nguồn truyện cổ tích Việt-nam.