Chủ Nhật, 05/05/2024 - 22:08

Trang thơ của nhà thơ Chính Hữu

04:05 | 16/08/2019

Trang thơ của nhà thơ Chính Hữu

Chính Hữu tên thật Trần Đình Đắc, sinh năm 1926 tại Vinh, là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Từ lúc viết bài thơ đầu cho đến nay Chính Hữu vẫn phục vụ trong quân đội. Đề tài thơ hầu hết là đề tài đánh giặc, nhân vật trung tâm là anh bộ đội. Tình cảm quán xuyến trong toàn bộ thơ Chính Hữu là tình cảm người lính, trong đó lòng yêu Tổ quốc và tình đồng chí là hai chủ đề hay được đề cập. Thơ Chính Hữu thể hiện một cá tính trầm lặng nhưng cả nghĩ và dào dạt yêu thương, trong lòng luôn luôn có sự khắc khoải về trách nhiệm trước những nỗi gian lao của đồng bào, đồng chí. Anh hay nghiêng về những hy sinh xót xa, với sự chân thành cảm phục biết ơn và rất nhiều tự vấn về trách nhiệm mình. Trong lễ duyệt binh, mắt nhìn những đoàn quân hùng mạnh đang tiến theo xe đại bác, tai nghe tiếng quân nhạc hùng tráng, nhưng tâm trí lại hướng về Đồng chí thương binh trên đôi nạng gỗ và sự xúc động hướng vào nhận thức:

mới hiểu được
vì sao những lá cờ bay
theo nhịp bước
vì sao những chân đi làm rơi nước mắt

Cảm hứng lớn trong thơ Chính Hữu cũng như trong cả nền thơ chúng ta là cảm hứng ca ngợi. Nhưng anh không ca ngợi dễ dãi, nhẹ lòng. Anh ca ngợi với tư thế người trong cuộc, người gánh trách nhiệm trên vai. Với anh, nhà thơ không thể chỉ đứng mà xuýt xoa,cảm thán trước những gian khổ hy sinh của dân tộc mà phải góp phần gánh vác những gian khổ đó. Ca ngợi anh giải phóng quân, anh ca ngợi trong sự chia sẻ sâu sắc. Tứ thơ Một nửa rất sáng tạo:

Tôi ôm anh
Như ôm nửa thân tôi đẫm máu
… cuộc đời anh cho tôi chia một nửa
Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm
Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả
Nửa nắm cơm hạt muối nhọc nhằn

Trong thơ Chính Hữu chúng ta hay gặp tiếng reo nhận thức:

Ta mới hiểu, ta mới hiểu. 
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội
Mới hiểu được vì sao những lá cờ bay
Mới biết chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông…

Đó cũng là một bằng chứng để nói ý thức tự nhận trách nhiệm là một tình cảm thường trực ở Chính Hữu. Có thể vì thế người ta thấy trong giọng thơ Chính Hữu một sự khắc khổ,lặng lẽ. Dù sao, trên tư cách một nhà thơ quân đội, Chính Hữu đã góp phần tích cực trong việc rèn luyện tư tưởng tình cảm cho bộ đội ta từ những việc cụ thể mà mỗi người lính thường gặp. Điều quan tâm lớn nhất ở Chính Hữu là trách nhiệm người lính trước vận mệnh Tổ quốc. Trách nhiệm ấy trong thơ anh được hình thành từ những yêu thương dằng dịt đối với người mẹ thắp hương cầu trời phù hộ bước con đi, đối với người vợ gánh gạo đưa chồng hai vai khó nhọc, đối với đồng chí đồng đội, đồng bào. Chính Hữu tìm sức mạnh của đoàn quân ở chỗ nhận thức giá từng thước đất: Bên trái Lò Văn Sự, bên phải Nguyễn Đình Ba và sức mạnh của khẩu súng không phải chỉ nằm trong viên đạn khi:

Súng ta kê
bên nôi nhỏ
các em nằm

Nhận thức trong thơ Chính Hữu trong khá nhiều trường hợp đã đạt được bằng con đường tình cảm. Nhờ thế thơ anh rắn khoẻ về tư tưởng, mà vẫn uyển chuyển, thấm thía.

Thơ Chính Hữu không phải là thơ phản ánh từng sự việc, miêu tả từng hoàn cảnh. Anh không quen lối viết ngay tại trận như nhiều cây bút khác. Anh viết sau khi mọi việc đã lắng lại, những gì ký ức còn giữ đều đã được gạn lọc. Thơ anh thiên về tổng hợp, tổng kết, có sức khái quát rộng. Thời gian để hoàn thiện một bài thơ nhiều khi khá lâu. Bài Đồng chí là những rung động thu nhận được trong một lần đi chiến dịch, nhưng phải đợi khi chiến dịch đã kết thúc, trong một đợt đi điều dưỡng Chính Hữu mới ôn lại mà viết. Bài Thư nhà là kết tinh nhiều lần xúc động của tác giả. Mỗi khi gặp những đoàn dân công hậu phương gánh gạo, tải đạn ra mặt trận, Chính Hữu ghi trong ký ức những trạng thái tâm tình của mình, nhưng không ghi một câu thơ cụ thể nào trên giấy. Mãi cuối chiến dịch Điện Biên Phủ anh mới phác ra Thư nhà, và bảy năm sau (1961), bài thơ mới đủ chín để xuất hiện.

Có lẽ vì cách làm việc như vậy nên Chính Hữu viết chậm, dù rằng trong lòng anh không lúc nào nguôi những nghĩ ngợi về thơ. Chính Hữu không viết ép, thấy câu chữ nhạt, là thôi ngay. Anh chỉ viết khi cảm xúc đầy đặn và chữa rất công phu. Nhờ vậy thơ Chính Hữu ít trồi sụt về chất lượng.

Thơ Chính Hữu có một kết cấu chặt chẽ, anh hiếm có câu thừa, ngay ở từng chữ cũng có sự cân nhắc. Anh viết như người ta chạm khắc, tính toán cẩn thận, rồi mới đặt mũi dao.

Nhịp điệu trong câu thơ Chính Hữu ít khi cố định, nó đổi thay theo nội dung, góp phần tạo nên nội dung. Anh ít viết theo các thể thơ ổn định, hình như không có bài lục bát nào. Anh sợ quán tính của vần điệu lôi tuột cả tình ý đi.

Có thể nói mỗi bài thơ Chính Hữu đều có một tìm tòi mới. Anh giữ bản sắc dân tộc một cách sáng tạo. Anh học ca dao trong hình ảnh ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt, trong công việc của người vợ gánh gạo đưa chồng hai vai khó nhọc. Người xưa nói chia ly nơi đầu cuối một dòng sông, anh nói đoàn tụ ở hai đầu chiến trường. Câu thơ núi biên giới Núi, lại núi, lại núi phải chăng cũng phát triển từ câu thơ: Một đèo, một đèo, lại một đèo… Khi học tập một cách nói tự bên ngoài, Chính Hữu cũng không sa vào lai căng, lộ liễu, do anh biết bám chắc vào chất sống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

(Vũ Quần Phương)

Hai người bộ hành

Ngày về

Phố và cây

Đầu súng trăng treo (1972)  

Đồng chí

Tháng năm ra trận

Đêm Hà Nội 1950

Sáng hôm nay

Gửi mẹ

Giá từng thước đất

Thư nhà

Lá nguỵ trang

Lá phiếu hôm nay

Khẩu hiệu

Duyệt binh

Nhật ký biên giới

Vô danh

Ga biên giới

An-ba-ni

Ngọn gió

Qua Xi-bê-ri

Cây

Một nửa

Bắc cầu

Đường ra mặt trận

Trang giấy học trò

Trận địa Hà Nội

Ngọn đèn đứng gác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *