Nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về đám cưới truyền thống của người Pa Kô, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) phối hợp với đoàn nghệ nhân dân tộc Pa Kô (Tà Ôi), huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tái hiện “Lễ cưới truyền thống đồng bào Pa Kô”. Đây là một điểm nhấn trong hoạt động “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ” hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). 

Theo phong tục người Pa Kô, khi con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, cha, mẹ, anh em họ tộc chuẩn bị các lễ vật truyền thống như: con trai thì cần tiền, vàng, bạc, bò, heo…con gái thì các lễ vật như: Dèng, chiếu A lơơq, gạo, đặc sản các loại gà, vịt, cá… số lượng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. 

Một tuần sau lễ hỏi của nhà trai, lễ cưới chính thức được tổ chức. Lễ cưới người Pa Kô gồm hai bước: Đám cưới tại nhà trai và đám cưới tại nhà gái. Sau những nghi thức làm lễ xuất gia, nhà gái mang theo một số lễ vật tiễn con về nhà chồng. 


Mẹ chồng chờ sẵn đón con dâu, cởi tấm dèng từ cô dâu và đeo cho cô dâu chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền. 

Nhà trai làm lễ Pâr xool (lễ nhận thông gia), từ nay hai gia đình thành thông gia cùng giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Lễ vật của nhà gái cũng được trao cho nhà trai trong nghi lễ này. 

Chú rể  trong ngày cưới. 

Sau khi bên nhà gái thưởng thức bữa tiệc, nhà trai thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cưới đó là nghi lễ Pâr choo, Târ leh (Lễ tiễn khách, Lễ trao lễ vật và của hồi môn). 

Nghi thức trao của hồi môn cho nhà gái được thực hiện lần lượt: Trao cho bố mẹ cô dâu để tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục cô con gái lớn khôn, ngoan hiền; Trao cho anh chị cả của cô dâu là để gửi gắm quan tâm chăm sóc, thăm nom, dạy bảo em gái thường xuyên những khi đau ốm hay khỏe mạnh; Trao cho chủ họ để tạ ơn đã lo lắng, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần  cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi.

Sau khi kết thúc lễ cưới tại nhà trai, nhà gái định thời gian để tổ chức lễ cưới thứ hai tại nhà gái. Đêm đầu tiên con dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng thực hiện nghi thức “Pa tưưp a đeh, pa cha đooi” cầu may mắn, hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. 

Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái và lòng tự trọng của nhà trai. 

Trong lễ cưới này, người đi vào nhà đầu tiên phải là cô dâu, cô dâu mang theo một chiếc đũa bếp, vừa lên cầu thang đồng thời thả chiếc đũa đó xuống dưới cầu thang, có nghĩa từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ không còn kiêng cữ nữa.

Lễ cưới bên nhà gái. 

Sau lễ cưới chính thức, khoảng một năm sau, nhà trai lại tổ chức nghi lễ “Pâr đâyh a mânh” với ý nghĩa để hai bên gia đình qua lại thuận lợi, giúp đỡ nhau trong cuộc sồng thường ngày. Trong khoảng 20 năm sau ngày cưới, nhà trai lại thực hiện nghi lễ “Pa nâyq plô” (chấm dứt của hồi môn).

Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa cô cũng là dịp để đồng bào đến với ” Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam”  gặp gỡ và giao lưu, giới thiệu văn hóa dân tộc mình với các cộng đồng dân tộc khác, đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.