Chủ Nhật, 01/12/2024 - 23:35
18:24 | 28/07/2019

 Các bạn sẽ hỏi tôi:  Ông lấy truyện này ở đâu ra thế?

 – Tôi tìm thấy trong giỏ đựng giấy loại.

   Vô khối sách hiếm và hay đã được bác hàng thịt hay là bác bán thực phẩm dùng không phải để đọc mà vào việc cần thiết hơn, theo các bác. Qua tay các bác, sách biến thành những cái bao đựng bột lọc và cà phê, giấy gói cá mắm, bơ và pho mát, do đó, sách in ra cũng được dùng vào việc ấy nữa.

   Tôi quen một anh chàng bán thịt, con một bác bán thực phẩm, xuất thân từ một nhà nghèo, sinh ra ở dưới hầm, do làm ăn phấn chấn nên anh đã có một cửa hàng. Anh đã từng đọc và thông hiểu các loại sách đã bị dùng để gói thịt, kể cả bản in lẫn bản thảo. anh ta có một bộ sưu tập rất lý thú, trong đó có nhiều công văn quan trọng, do một vị quan lớn bận rộn nào đó đã quẳng vào sọt giấy, những bức mật thư và cả những thư nặc danh đê hèn chẳng nên nói ra đây làm gì. Nhà anh ta là nơi phiêu dạt những tàn di của văn học, do đó, anh ta đã cứu vớt được vô khối là sách đáng đọc đi đọc lại vài lần.

   Anh đã phó cho tôi xem bộ sưu tập sách in và bản thảo của anh. Tôi đã tìm thấy ở đấy nhiều tờ của một quyển vở rộng khổ, chữ viết rõ nét làm tôi phải lưu ý tới. Anh bảo tôi:

 – Chính anh sinh viên đã viết truyện này, anh biết chứ? Cái anh chàng sinh viên ở trên gác đã chết cách đây một tháng ấy mà. Anh ta đã bị nhức răng rất khổ sở. Nhưng truyện của anh đọc rất lý thú. Tôi chỉ còn một phần bản thảo thôi, chính ra có trọn cả một quyển vở. Bố mẹ tôi đã đổi nửa cân xà phòng đen cho bà chủ nhà của anh ta để lấy quyển vở ấy.

   Tôi mang quyển vở ấy về. Đọc xong tôi thấy nên đưa ra phổ biến.

Bà cô nhức răng

   Khi tôi còn nhỏ, cô tôi thường cho tôi ăn của ngọt. Khi ấy răng tôi còn chịu đựng được của ngọt và chưa bị hỏng. Tôi lớn lên, trở thành sinh viên. Cô tôi vẫn thường cho tôi kẹo ngọt. Bà nói rằng tôi là một thi sĩ. Đúng là tôi cũng mang chút ít chất thi sĩ trong người, nhưng chẳng được bao năm.

   Khi dạo qua các phố, tôi luôn luôn có cảm tưởng như đang đi giữa một thư viện vĩ đại. Tôi cảm thấy nhà cửa là những ô sách, các tầng gác là những ngăn đựng sách. Chỗ này là một câu chuyên gia đình, chỗ kia là một hý kịch cổ, trên tất cả các ngăn sách đều có những tác phẩm khoa học và tác phẩm văn học, hay hoặc dở. Tôi có thể triết lý và tưởng tượng lung tung về cái thư viện ấy. Đúng là tôi cũng mang chút ít chất thi sĩ trong người, nhưng chẳng được bao năm.

   Khối người khác cũng mang trong người chất thi sĩ chẳng kém gì tôi, nhưng họ chẳng đeo chiếc thẻ hoặc chiếc dây chuyền có khắc chữ: “Thi sĩ”. Đối với họ cũng như đối với tôi, thượng đế đã phú cho một khiếu năng vừa đủ với bản thân, nhưng không đủ để giúp ích cho đời. Hồn thơ thâm nhập vào chúng tôi như một tia nắng, tràn ngập tâm hồn và tư tưởng chúng ta, nó như hương thơm thấm vào lòng chúng ta, như khúc nhạc lôi cuốn chúng ta, nhưng chúng ta không thể biết nguyên nhân từ đâu.

   Tối qua, ngồi trong buồng, tôi muốn đọc nhưng chẳng có lấy một cuốn sách hay một tờ báo trong tay.

   Lúc đó, từ cây bồ đề, một chiếc lá xanh rơi xuống. Làn gió nhẹ đưa nó qua cửa sổ vào đến tận bên tôi. Tôi ngắm nghía mảnh lá với những đường gân xanh của nó. Một con sâu đang bò bên trên, chừng như đang chăm chú nghiên cứu chiếc lá. Thấy thế, tôi liên tưởng đến sự hiểu biết của loài người. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng bò trên một chiếc lá cây. Chúng ta chỉ biết chiếc lá thôi, nhưng không vì thế mà chúng ta không diễn thuyết được rất hay về cây cối, về rễ cây, thân cây, cành lá và tất cả những gốc cây lớn, cây nhỏ, cũng như nói về Thượng đế, thế gian, sự bất tử, mà chúng ta chẳng biết gì hơn là biết cây qua một chiếc lá nhỏ bé.

   Tôi đang suy nghĩ đến đó, bỗng bà Milơ của tôi đến chơi. Tôi phô với bà chiếc lá, con sâu và thuật lại những điều tôi vừa suy nghĩ. Đôi mắt bà sáng ngời lên.

 – Cháu là thi sĩ đấy!- Bà reo lên – Mà có lẽ là nhà thi sĩ vĩ đại nhất của chúng ta cơ đấy! Cháu hãy cố gắng làm cho lừng danh, sau này bà có chết cũng không ân hận. Từ ngày ông chủ lò nấu rượu bia Ramutxen khuất núi, bà rất ngạc nhiên về óc tưởng tượng kỳ diệu của cháu.

   Nói rồi bà Milơ ôm hôn tôi.

   Nhưng bà Milơ và ông chủ nấu rượu bia Ramutxen là ai mới được chứ?

II

   Mẹ chúng tôi có một người cô, mà chúng tôi gọi là “Bà cô nhức răng”. Bà thường cho chúng tôi ăn mứt kẹo, tuy rằng những của ấy quả là không tốt cho răng lợi của chúng tôi. Nhưng bà rất yêu trẻ con ngoan và cho rằng không cho chúng những thứ chúng thích là một tội ác. Dĩ nhiên là chúng tôi rất mực quý bà.

   Bà không lấy chồng. Trong ký ức của tôi, bao giờ tôi cũng thấy bà già khọm. Hình như lúc nào bà cũng chỉ có một cỡ tuổi: tuổi già. Khi còn trẻ, bà rất khổ vì đau răng và bà luôn luôn nhắc đến chuyện ấy. Vì thế một trong những bạn thân của bà, ông chủ lò rưọu bia Ramutxen, một con người khá thông minh, đặt cho bà cái tên là: “Bà cô nhức răng.”

   Về cuối đời ông, Ramutxen không nấu rượu bia nữa. Ông sống về lợi tức. Ông thường đến chơi với bà cô tôi, ít tuổi hơn ông ta một chút. Mồm ông ta móm cả, chỉ còn lại vài chân răng đen sì. Ông thường kể cho các cháu ông nghe rằng hồi còn trẻ, ông ăn quá nhiều chất ngọt, răng bị hỏng hết cả.

   Lúc trẻ bà cô tôi chẳng hề ăn chất ngọt nên răng bà cô tôi trắng bóng. Phải nói rằng bà giữ gìn bộ răng rất cẩn thận. Ramutxen thường nói đùa là bà chẳng bao giờ đi ngủ mà không cất răng đi. Khi còn bé, nghe thấy thế chúng tôi rất bực, nhưng bà cô tôi bảo rằng ông ta nói thế thôi, chẳng có ác ý gì.

   Một buổi sáng, vào lúc ăn điểm tâm, bà thuật lại giấc mơ khủng khiếp đêm hôm trước, bà rụng một chiếc răng! Bà bảo:

 – Thế có nghĩa là tôi đã mất đi một người bạn trai hoặc bạn gái.

   Ông chủ lò rượu bia mỉm cười nói:

 – Nếu cái răng ấy là răng giả thì có lẽ bà mất một người bạn giả rồi đấy.

 – Hỗn nào! – Bà tôi quát to lên.

   Từ trước đến nay và cho đến sau này, chưa bao giờ bà giận dữ đến như thế.

   Ít lâu sau bà ta lại nói rằng đây chỉ là một câu nói đùa của ông bạn già và nói thêm rằng ông ta là người tốt nhất trần gian, khi chết ông ta sẽ hoá thành tiên trên trời. Tôi suy nghĩ đến cái chuyện thành tiên ấy và muốn biết lúc ấy ông ta sẽ ra sao. Khi hai người còn trẻ, Ramutxen đã hỏi bà cô tôi. Bà suy nghĩ rất lâu, rồi chờ đợi, đợi mãi. Cuối cùng bà ở vậy, nhưng vẫn là người bạn gái trung thành của ông ta.

   Thế rồi ông chủ lò rượu bia Ramutxen qua đời. Một cỗ xe tang sang trọng đưa ông ta ra nghĩa địa. Theo sau là một đoàn dài những người mặc lễ phục, ngực đầy huân chương. Hẳn là ông ta đã kịp biến thành một ông tiên có cánh của Thượng đế và tôi tin rằng ông ta sẽ ra mắt mọi người. Tôi hỏi:

 – Bà ơi! Liệu ông ấy có đến không?

 – Ai đến kia, hở cháu?

 – Ông tiên Ramutxen ấy mà.

   Bà cô tôi sửng sốt reo lên: – Thằng bé này sẽ thành một thi sĩ vĩ đại.

   Thế rồi ý nghĩ ấy không bao giờ rời khỏi bà cô tôi trong suốt thời gian tôi học tiểu học, đến khi làm lễ thêm sức, và cả đến khi tôi đã học đại học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *