Định nghĩa dân tộc
Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người
Vỡ đê biển với vỡ đời
Dân tộc không thể biến đi mà chỉ hóa
Không để Tháp, Mộ Lăng, Mồ Mả…
Để Hề Gậy, tiếu lâm và một chuỗi cười
Dân tộc bốn nghìn năm bị cái dạ dày làm khổ
Buôn đầu chợ bán cuối chợ
Khổ trên sông và khổ bên sông
Lụt sông Mã, sông Thương, sông Cái, sông Hồng…
Bo bo hạt gạo bằng trời của mình
Tấm mẳn của mình
Vơ bèo vạt tép mà tồn tại
Do đó phải nhờ Bụt, nhờ Trời, nhờ Chúa, nhờ Nàng Tiên cứu rỗi
Khi sống ăn cơm
Chết nhờ húp cháo lá đa mà tồn tại
Dân tộc có quá nhiều kẻ thù
Nên phải làm lành
Dân tộc Thiền tông
Hết giặc rồi, đổ căm thù xuống bể xuống sông
Gieo nắm thóc trên đất đen cho nó nảy mầm
Gieo nắm thóc trên đất đen như máu đỏ bầm
Gieo cái hôn trên môi như thóc cháy nảy mầm
Ấy thế mà hay lật ngược mình ra phơi tiềm lực
Hôm nay (…) chỉ vì hôm qua có
Hôm nay lợn ỷ, gà chuồng
Mà ngày mai gà lợn âm dương
Đám cưới chuột huy hoàng
Ngũ sắc
Hóa, hóa chứ sao?
Không thể chỉ có một bề, một mặt
Hôm qua là chú bé Gióng
Hôm nay roi, ngựa sắt
Hóa xoan đào, hóa vàng anh, hóa Nàng Tiên…
Nhiều tai ương
Nên phải nhờ thần Kim Qui, nhờ Đạm Tiên, nhờ Bụt…
Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường
Thế nhưng đánh giặc xong rồi
Thì vất đi roi sắt
Vất cả khóm tre ngà nhổ lên đánh giặc
Hóa làm đứa trẻ thơ
Lạy mẹ
Rồi bay về trời, mắt thơ ngây đầy lệ
Bay về trời hút bóng giữa tre xanh
Dân tộc làm gián cách
Hề về những nỗi đau khiến mình xé rách
Lấy tiếng cười tạo ra nỗi đau, quãng cách
Trước khi đau
Thành Hề Gậy, Hề Mồi, tiếu lâm, chú Tễu…
Cuộc đời rất đểu
Phải vui mà đương đầu
Ừ dù sao cũng không thể biến đi mà cần tồn tại
Và phải hóa thì mới đương đầu nổi
Trở thành Ta cật vọt hơn mình
Bác đã làm như vậy
Đất nước nghèo, từ người thư sinh áo vải
Hóa thân thành lãnh tụ
Xong giặc rồi, hóa tinh thần
Về lại giữa ca dao
1987
Rút trong tập nháp Cầm tay, tập 3
Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002 (Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn)