Dưới bóng liễu già
Đất đai quanh thị trấn Kgiôêgiê trên đảo Xilen rất là trơ trụi. Thị trấn này ở bên bờ biển. Biển cả bao giờ cũng đẹp. Nhưng có thể nói là bãi biển Kgiôêgiê còn đẹp hơn tất cả các nơi khác. Khắp xung quanh thị trấn chỉ là một cánh đồng phẳng lì, toàn là ruộng, không có cây cối, đường cái quan chạy tít đến tận cánh rừng gần nhất.Tuy nhiên, khi người ta sinh trưởng trong một xứ và gắn bó nhiều với xứ ấy, người ta thường thấy ở nơi đó một cái gì làm cho người ta say mê, rồi sau này dù sống ở những vùng đẹp đẽ và thích thú nhất, người ta vẫn muốn trở về ngắm lại chốn cũ.
Thật vậy, ở đầu thị trấn Kgiôêgiê, dọc theo dòng suối đổ ra biển có thể tưởng tượng như đang ở chốn thiên đàng.
Có hai đứa trẻ láng giềng với nhau cũng tưởng tượng như thế khi chúng chui qua hàng cây phúc bồn tử ngăn cách hai mảnh vườn của cha mẹ chúng để sang chơi với nhau. Vườn bên này có một cây hương mộc, vườn bên kia có một gốc liễu già. Hai đứa trẻ thích chơi ở dưới gốc liễu này nhất. Cha mẹ chúng đã cho phép chúng chơi dưới gốc liễu, mặc dù nó mọc sát ngay dòng suối và chúng có thể ngã xuống nước, nhưng trời vẫn trông nom, che chở chúng, không thế thì cũng lắm phen đáng oán thán lắm rồi đấy.
Vả chăng hai đứa bé cũng rất biết giữ gìn để khỏi rơi xuống suối. Ngay đứa con trai cũng sợ nước đến nỗi về mùa hè, trên bãi biển, không ai có cách gì làm cho em nhúng mình xuống biển được trong khi những đứa trẻ khác rất thích lội nước. Người ta trêu ghẹo, chế giễu, em cũng chịu nhịn, không phàn nàn. Gian, cô bạn nhỏ của em, có lần mơ thấy mình lướt sóng trên một con thuyền và em (tức là Knút) tiến về phía Gian, nước ngập đến cổ lút đầu, rồi cuối cùng em biến mất. Từ khi bé Knút biết câu chuyện nằm mơ ấy em không chịu được lời giễu cợt của những đứa con trai khác. Em đã xuống nước. Gian đã nằm mộng thấy em như thế. Thật ra, em chưa bao giờ dám mạo hiểm làm việc ấy, nhưng em rất tự hào về hành động của mình trong giấc mơ của người bạn nhỏ.
Cha mẹ các em nghèo. Hai em gặp nhau luôn. Knút và Gian thường chơi với nhau trong vườn và trên con đường cái hai bên bờ rào có trồng những hàng liễu. Những cây ấy bị cắt ngọn, nên ngó bộ cũng chẳng thể to lớn, người ta trồng chúng chẳng phải để làm cảnh mà để lấy lợi.
Nom gốc liễu già trong mảnh vườn còn đẹp hơn, cành dài trông tựa như một cái nôi. Hai đứa trẻ thích núp mình trong đó. Trong thị trấn có một khoảng rộng dùng làm nơi họp chợ. Tới ngày phiên, người ta dựng lên ở đó những dãy phố dài toàn lều và rạp trong có bày những dải lụa màu, đồ chơi, giày ủng… muốn mua gì cũng có. Người đông chen chúc nhau. Trong số cửa hiệu ấy có một cửa hàng lớn bán toàn bánh ngọt. Dịp may hiếm có: người chủ hàng bánh cứ đến phiên chợ lại đến trọ lại nhà cha mẹ bé Knút. Thỉnh thoảng em lại vớ được vài mẩu bánh, và tất nhiên là Gian cũng có phần.
Nhưng còn cái thú vị hơn nữa là ông hàng bánh biết đủ mọi chuyện ở trên đời, ngay cả chuyện về bánh ngọt nữa. Một tối nọ, ông kể một câu chuyện về bánh ngọt làm cho hai đứa trẻ xúc động đến nỗi suốt đời không quên. Ông kể rằng:
– Trong số bánh này bày trong tủ hàng của ông có hai hình người làm bằng bánh ngọt, một anh con trai đầu đội mũ và một chị con gái để tóc trần. Họ chỉ có mặt người phía trước, chớ ngắm phía sau họ. Vả chăng con người ta cũng thế thôi, nhìn vào mặt trái thì cũng chẳng có gì là tốt. Phía bên trái anh con trai có điểm một hạt hạnh nhân đắng, đó là trái tim anh ta. Chị con gái được nhào nặn toàn bằng mật ong. Họ được bày làm mẫu trong tủ hàng của bác. Họ ở đấy lâu đến nỗi cuối cùng đâm ra yêu nhau. Nhưng họ chẳng hề tỏ tình với nhau. Nhẽ ra họ phải ngỏ lời với nhau thì tình yêu mới có kết quả.
Cô gái nghĩ thầm: “Anh ấy là con trai thì phải ngỏ lời trước chứ.” Cô chỉ mong muốn được biết là anh có đáp lại tấm chân tình của mình không. Còn chàng trai thì lại nghĩ rộng hơn, nam giới thường vẫn thế. Anh mơ thấy mình là một đứa trẻ con ngoài phố, như biết bao đứa vẫn đi qua trước mặt anh, anh mơ thấy mình có bốn si-linh và sẽ dùng để mua cô nàng mà chén.
Họ vẫn cứ nằm trong tủ hàng của bác ngày này sang tuần khác. Dần dà họ khô đét đi. Tâm tình của cô gái ngày càng trở nên đa cảm, đúng như tâm tình của một người đàn bà thật. Nàng thở dài nói rằng: “Ta được ở bên chàng lâu đến thế này cũng sung sướng lắm rồi.”
Rồi nàng vỡ làm đôi đánh tách một cái và qua đời.
Anh chàng kia tự nhủ: “Nếu nàng biết mối tình của ta thì nàng phải cố mà sống chứ!”
Ông hàng bánh nói tiếp:
– Câu chuyện chỉ có thế và đây là hai nhân vật. Đây không phải là những chiếc bánh ngọt thường đâu mà là những nhân vật đặc biệt đã chứng minh rằng mối tình câm không bao giờ đưa đến một kết quả nào cả. Đây cầm lấy, bác cho các cháu đấy.
Ông đưa Gian chiếc bánh hình người con trai hãy còn nguyên vẹn. Knút được hai mảnh trước kia là chiếc bánh hình cô con gái. Nhưng hai đứa trẻ xúc động vì câu chuyện thương tâm đến nỗi không nỡ ăn cặp tình nhân ấy.
Hôm sau, chúng đem họ ra nghĩa địa. Chúng ngồi xuống cỏ. Bên tường nhà thờ phủ đầy những tràng hoa trường xuân. Chúng đặt hai chiếc bánh ngọt vào một cái khám xây trong tường giữa đám hoa lá tràn đầy ánh nắng và kể lại câu chuyện mối tình câm chẳng đi đến đâu cả cho một lũ trẻ con khác nghe.
Đứa nào cũng thấy câu chuyện thật là lý thú. Nhưng khi chúng xem lại cặp uyên ương xấu số thì cô con gái đã biến mất. Một đứa con trai nhớn đã ăn sống nuốt tươi mất rồi. Knút và Gian khóc sướt mướt. Rồi cuối cùng, chắc là không muốn để anh con giai phải sống một mình trên đời, chúng đem anh ra ăn nốt, nhưng câu chuyện thì chẳng bao giờ quên.
Chúng tiếp tục chơi với nhau bên gốc hương mộc và dưới bóng liễu. Cô gái nhỏ hát những bài ca hay nhất trên đời, bằng một giọng trong vắt như tiếng chuông bạc. Knút không có giọng mà hát nhưng em thuộc lòng lời của những bài ca ấy, thế cũng đã khá lắm rồi. Dân ở Kgiôêgiê, ngay cả vợ ông chủ hiệu đồ chơi đã từng sống ở kinh đô, ai cũng dừng lại nghe Gian hát. Bà ta nói:
– Giọng hát của con bé này thật là tuyệt!
Đó là những ngày sung sướng, nhưng chẳng được bao lâu. Hai gia đình phải xa nhau. Mẹ Gian chết và bố em định lấy vợ ở tận kinh đô vì có một cửa hiệu buôn to hứa mướn ông là người chạy giấy, đó là một công việc có lợi, kiếm được nhiều tiền hơn. Lúc chia tay, đôi bên láng giềng cùng rơi lệ, còn hai đứa trẻ thì khóc oà lên. Họ hứa viết thư cho nhau mỗi năm ít nhất một lần.