Thứ 5, 12/12/2024 - 11:22

Lễ cưới của dân tộc Gia Rai tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

22:11 | 07/04/2023

Lễ cưới của dân tộc Gia Rai tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lễ cưới của dân tộc Gia Rai (làng Kép, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) được tái hiện tại không gian làng dân tộc Gia Rai, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Người Gia Rai theo chế độ mẫu hệ nên việc cưới xin do nhà gái chủ động lo liệu và chuẩn bị lễ vật. Sau khi cưới người chồng sẽ về ở rể bên nhà gái. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, những người cùng họ không được lấy nhau. Việc lấy chồng, lấy vợ của người Gia Rai xưa kia do cha mẹ quyết định. Khi con gái đến tuổi trưởng thành, bố mẹ tìm một chàng trai ưng ý để gả chồng, cha mẹ cô gái sẽ nhờ một người mai mối đến nhà chàng trai hỏi ý. Nếu chàng trai đồng ý, ông mối sẽ về báo lại với gia đình nhà gái và nhà gái sẽ đưa một vòng tay cầu hôn để trao cho người con trai. Sau đó, cha mẹ hai bên gặp nhau và chọn ngày cưới cho đôi trẻ. Trước ngày tổ chức lễ cưới, hai bên gia đình thông báo cho họ hàng hai bên biết để đến dự và đóng góp gà, heo, rượu, tiền hay những vật dụng khác tùy điều kiện của gia chủ.

Họ hàng hai bên trong lễ cưới (bên trái, họ hàng cô dâu; bên phải, họ hàng chú rể)

Về “Ngôi nhà chung” tham gia hoạt động “Tháng Ba – Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn”, đồng bào Gia Rai đã tái hiện các nghi thức của Lễ cưới với sự tham dự của đông đảo du khách tham quan.

Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cưới gồm: một ghè rượu cột ở chân cây nêu, một con gà nướng và hai con gà sống (một trống, một mái). Nghi thức của lễ cưới bắt đầu khi cha mẹ chú rể, chú rể và ông mối cầm một ghè rượu, một con gà trống tiến về phía cây nêu. Bên này, cha mẹ cô dâu và cô dâu cầm một con gà mái và một cái khăn (có thể là váy hoặc khố để tặng gia đình nhà trai) tiến đến cây nêu.

Già làng thực hiện các nghi lễ

Tiếp đó, già làng thực hiện các nghi lễ cưới: Già làng sẽ hỏi ý kiến ông mối và cha mẹ hai bên. Tiếp đó, thực hiện nghi lễ trao vòng tay giữa cô dâu và chú rể (chiếc vòng tượng trưng cho sợi dây buộc chặt tình cảm giữa đôi trai gái sống bên nhau trọn đời). Nghi lễ cúng các yang và gọi tổ tiên hai dòng họ về chứng kiến Lễ cưới của hai người. Tiếp đến là nghi lễ rửa tay và trao nắm cơm cho cô dâu, chú rể. Sau khi cô dâu, chú rể được thầy cúng rửa tay và nhận nắm cơm thì họ chính thức trở thành vợ chồng, ăn cùng mâm, ở cùng nhà, cùng nhau chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Nghi thức cô dâu, chú rể trao vòng tay cho nhau

Lễ cưới kết thúc với nghi thức uống rượu cần. Ghè rượu do họ hàng nhà cô dâu mang đến, chú rể uống trước tiên sau đó đến cô dâu. Ghè rượu do họ hàng nhà chú rể mang đến, cha mẹ chú rể, cha mẹ cô dâu uống trước tiên, tiếp đó đến ông mối và già làng. Sau đó, rượu được mời tất cả họ hàng hai bên, du khách cùng nhau uống, thưởng thức ẩm thực và nhảy múa chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Nghi thức thầy cúng trao cơm cho cô dâu chú rể, hai người chính thức là vợ chồng

Đông đảo du khách đã tới tham dự lễ cưới của đồng bào Gia Rai, chứng kiến các nghi thức của lễ cưới, thưởng thức ẩm thực, cùng hòa vào những làn điệu cồng chiêng, dân ca dân vũ chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể.

Sau lễ cưới, đồng bào các dân tộc Gia Rai cùng các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên: M’nông, Giẻ Triêng, Mạ, Ê Đê biểu diễn những tiết mục dân ca, dân vũ độc đáo với sự tham gia của đông đảo du khách.

Dưới đây là một số hình ảnh đám cưới của đồng bào dân tộc Gia Rai được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam:

Nghi lễ thầy cúng rửa tay cho chú rể 

Rửa tay cho cô dâu

Cô dâu, chú rể cùng uống rượu cần

Họ hàng hai bên cùng thưởng thức ẩm thực
 

Nhảy múa chúc mừng đôi vợ chồng trẻ
 

Cô dâu, chú rể 


Đồng bào Mạ tham gia vui hội, biểu diễn dân ca, dân vũ


Đồng bào và du khách cùng nhau nhảy múa sau Lễ cưới


Đông đảo du khách tham dự Lễ cưới của đồng bào Gia Rai

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *